Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

PHONG THỦY HỌC PHỔ THÔNG (Bài số 11 – Phiên tinh)

Bài của nick <Nguoicodon> trên diễn đàn http://vnthuquan.net
      Vì trường phái này lấy việc phân ngăn làm căn cứ phân chia loại Trạch, nên cũng phân bố từng Sao cho mỗi ngăn 1 cách chi ly. Hôm nay NCD xin giới thiệu về cách tính Sao cho từng ngăn.
PHIÊN TINH (sắp xếp Sao).
A/. TỊNH TRẠCH  :
      Với TỊNH TRẠCH thì rất đơn giản.
      Từ cung Cửa Cái, biến tới cung Phòng Chủ xem được Du niên gì, thì đó là Du niên của Phòng Chủ, cũng là Du niên của Trạch. Đương nhiên vì Sao tương ứng với Du Niên đó cũng là Sao của Phòng Chủ, và là Sao của Trạch luôn vậy.
      Từ cung Cửa Cái, biến tới cung của Cửa Buồng, ta sẽ có Du niên & Sao của Cửa Buồng, đây là 1 yếu tố phụ để luận đoán thêm về người ngủ ở phòng đó vậy.
B/. PHỨC TRẠCH  : 
I / AN DU NIÊN VÀ SAO CHO NGĂN ĐẦU :
      Do Phức Trạch có nhiều ngăn, nên việc phân bố Du niên & Sao cho các ngăn cũng phức tạp hơn. Việc an Du Niên & Sao của các ngăn sau, trong Phức Trạch, phụ thuộc rất lớn vào việc An Du Niên cho ngăn đầu, nếu sai ngăn đầu coi như các ngăn sau sai hết. Vì sao thế? Bởi trong Phức Trạch, các Sao tịnh tiến vào trong theo chiều tương sanh của Ngũ Hành của các Sao. Ví dụ như :
Ngăn đầu ta có Lục Sát Thủy đi, thì ngăn kế sẽ là Mộc, tương ứng với Sao Tham Lang - Du niên Sanh Khí; ngăn kế nữa sẽ là hành Hỏa, tương ứng với Sao Liêm Trinh - Du niên Ngũ Quỹ... Do đó, việc An Du Niên cho ngăn đầu thật chính xác rất quan trọng !!!
      Để An Du niên cho ngăn đầu trong Phức Trạch, ta cần xác định Cửa Cái thuộc CHÍNH MÔN hay là THIÊN MÔN.  Cửa Cái CHÍNH MÔN là cửa ngay chính giữa nhà vậy, trường hợp nhà xưa có 3 gian, có 3 bộ cửa, đương nhiên phải xét cửa nào là cửa chính thường được sử dụng nhất rồi. Khi ấy, không tiện thì ta có thể sử dụng cửa bên, nếu nó tạo ra hiệu quả tốt (Việc này NCD sẽ có chứng minh bằng ví dụ trong phần sau). Như vậy ta dễ dàng hiểu ra cửa nằm 1 bên nhà là cửa THIÊN MÔN rồi. Với mỗi vị trí CHÍNH hay THIÊN thì cách phối hợp Sao cũng khác.
1/. CỬA CHÍNH MÔN :
      Cửa này là cửa trùng với Hướng nhà. Với cửa CHÍNH MÔN thì cách phối hợp là bình thường : Từ cung CỬA CHÍNH MÔN biến tới cung SƠN CHỦ, ta được Du niên gì, ứng với Sao gì, thì đó là Du niên của Trạch, Du niên của Sơn Chủ, cũng là Du niên của ngăn đầu, Sao tương ứng với nó cũng được An cho ngăn đầu.
     Ví dụ : Nhà Tọa Càn, Hướng Tốn, có cửa Chính Môn, có 4 ngăn.
     Trước tiên, ta thấy cửa Chính Môn thì trùng với Hướng, vậy đó là Cửa Tốn.
 Từ Cửa Tốn biến tới SƠN CHỦ Càn (Sơn chủ chính là Tọa, là mặt hậu của nhà), ta được Du niên Họa Hại & Sao ứng với nó là Sao Lộc Tồn thuộc Thổ.
      Ta có ngăn đầu là Lộc Tồn_Họa Hại Thổ
      Ở ngăn kế sẽ là   Vũ Khúc _Diên Niên Kim
      Ngăn kế nữa là   Văn Khúc_Lục Sát Thủy
      Và ngăn cuối là  Tham Lang_ Sanh Khí Mộc.
      Nhà đó sẽ được gọi là nhà HỌA HẠI TRẠCH.
2/. CỬA THIÊN MÔN :
      Trước tiên ta hãy dùng La Bàn xác định cung của Cửa Thiên Môn này đã. Kế đến từ cung của cửa THIÊN MÔN biến tới HƯỚNG NHÀ, đó chính là Du niên của ngăn đầu vậy.
      Muốn xác định Du niên của Trạch, Du niên của Sơn Chủ thì ta lấy từ cung của cửa THIÊN MÔN biến tới cung SƠN CHỦ, đó là Du niên của Sơn Chủ, và Du niên của Trạch vậy.
      Thí dụ : Nhà Tọa Ly, Hướng Khảm, cửa bên trái thuộc cung Càn, nhà có 3 ngăn.
      Trước tiên ta lấy từ cung Cửa biến tới Hướng : Càn với Khảm phối nhau cho ra Du niên LỤC SÁT Thủy, ứng với Sao VĂN KHÚC. Ta An Sao này và Du niên này vào ngăn đầu để tính tiếp các ngăn sau.
      Ngăn đầu ghi vào đó là Văn Khúc _ Lục Sát Thủy.
      Ngăn giữa ghi vào    Tham Lang _ Sanh Khí Mộc.
      Ngăn cuối ghi vào     Liêm Trinh _ Ngũ Quỹ Hỏa.
      Kế đến ta tìm Du niên cho Trạch & Du niên cho Sơn Chủ. Từ cung của cửa thiên môn biến tới cung của Sơn Chủ, ta có Càn phối với Ly là Tuyệt Mạng, đó là Du niên của Sơn Chủ lẫn Du niên của Trạch vậy. Ta gọi nhà đó là TUYỆT MẠNG TRẠCH.
II/ CÁCH PHÂN BỐ SAO Ở ĐỘNG TRẠCH  (từ 2 đến 5 ngăn)
      Cách mà NCD di chuyển Sao như trên là cách di chuyển Sao của loại Động Trạch này đó. Đọc đến đây ắt sẽ có quý vị thắc mắc : Sao thì có đến 8 Sao, trong đó có 2 sao Kim, 2 sao Thổ, 2 sao Mộc,  vậy gặp ngăn phải phân Sao Mộc hay sao Kim thì dùng Sao nào? Xin thưa rằng ở Động Trạch chỉ dùng 5 Sao làm chính, đó là : Tham Lang, Văn Khúc, Vũ Khúc, Liêm Trinh & Cự Môn. Trừ trường hợp các Du niên phối nhau ra các sao Lộc Tồn, Phá Quân & Phụ Bật thì mới an Sao đó vào ngăn đầu thôi. Ngoài ra, các trường hợp Du niên ngăn đầu không phải là Họa Hại, Tuyệt Mạng, Phục Vì thì chỉ dùng 5 Sao kia.
III/ CÁCH PHÂN BỐ SAO Ở BIẾN TRẠCH ( từ 6 đến 10 ngăn ).
      Trong trường hợp An Sao cho Biến Trạch, thì mới dùng thêm 4 sao phụ ngũ hành kia. Tuy gọi là 4 sao nhưng thực tế chỉ có...3 rưỡi thôi, vì Sao Phụ Bật chỉ có tác dụng phân nửa thôi, lực nó yếu hơn hẳn các sao khác.
      Như vậy ngoại trừ THỦY và HỎA chỉ có 1 Sao, còn lại các nhóm ngũ hành kia đều có 1 đôi sao. Trong trường hợp gặp các nhóm ngũ hành có đôi sao thì dùng liên tiếp cả đôi sao cho 2 ngăn liền nhau.
      Tuy nói vậy, nhưng không phải nhà BIẾN TRẠCH nào cũng dùng hết các đôi sao, còn tùy thuộc vào số ngăn của nó :
      - Biến Trạch có 6 ngăn    :  Chỉ dùng đôi sao đầu tiên mà nó gặp.
      - Biến Trạch có 7 ngăn    :  Chỉ dùng 2 đôi sao đầu mà nó gặp.
      - Biến Trạch có 8-10 ngăn mới dùng đủ cả 3 đôi sao.
      Đến đây lại nảy sinh vấn đề  : Thế gặp đôi sao thì an sao nào trước ? Đây là mấu chốt của vấn đề, nếu quý vị nào đọc đến đây mà nêu ra câu hỏi ấy liền thì chắc chắn vị đó rất ham mê tìm tòi về phong thủy vậy. Ngoại trừ trường hợp ngăn đầu & ngăn kế có đôi sao, vì khi đó đã có sao ở ngăn đầu tính theo Du niên biến ra.  Các trường hợp ở sau thì sự an bố các đôi sao theo luật nhất định :
      - Gặp đôi sao thuộc Mộc thì   : PHỤ BẬT trước, THAM LANG sau.
      - Gặp đôi sao thuộc Kim thì   :  VŨ KHÚC trước, PHÁ QUÂN sau.
      - Gặp đôi sao thuộc Thổ thì   :  LỘC TỒN trước, CỰ MÔN sau.
IV/ CÁCH PHÂN BỐ SAO CHO HÓA TRẠCH : (từ 11 đến 15 ngăn)
      Vẫn áp dụng như phần Biến Trạch, và cứ thế xoay cho đến ngăn chót.

NGĂN CHÁNH & SAO CHÚA
      Như ta thấy, mỗi ngăn có 1 sao trấn giữ, Du niên chỉ là cái để ta tìm ra Sao ở các ngăn thôi, thật ra, chính các Sao đó mới chi phối sự Cát Hung của các ngăn đó vậy.
      Sau khi an Sao cho từng ngăn rồi, người ta mới tìm 1 Sao làm Sao Chúa. Vì sao phải cần 1 Sao Chúa? Do trong Phức trạch có nhiều ngăn, nên cần chọn 1 ngăn chánh có Sao tốt để phát huy hiệu lực vượt trội của sự tốt đẹp, hầu trấn áp các ngăn xấu hại có Hung Tinh, nhất là với các căn nhà có tên Ác hại - tức các Hung Du niên Trạch.
Thường khi chọn Ngăn Chánh, người ta ít chọn các ngăn đầu lắm, vì nó xa Sơn Chủ. Trong phong thủy, khi không xét đến LONG, thì Sơn Chủ biểu tượng cho Trạch Chủ vậy, nên người ta luôn tìm cách củng cố nó, bồi bổ nó, hỗ trợ nó. Chính vì thế, khi chọn Ngăn Chánh người ta mới thường chọn ngăn gần với Sơn Chủ, hoặc trực ngộ Sơn Chủ. Một căn cao lớn hơn, rộng rãi hơn, sạch sẽ hơn các ngăn khác mới đáng gọi là Ngăn Chánh. Nói 1 cách dễ hiễu nhất, cứ căn cứ vào Thể Tích của Ngăn, thể tích ngăn nào lớn nhất thì đó là Ngăn Chánh vậy. Đây chính là 1 điều mà 1 số thầy phong thủy trong trường phái này lầm lẫn. Cứ nhìn thấy Diện Tích lớn hơn đã vội vàng cho đấy là Ngăn Chánh thì tai hại vô cùng
Ví dụ : Một ngăn ngang 3m, dài 4m, cao 6m (vì không vướng gác lửng bên trên, lại không có la-phông); một ngăn ngang 4m, dài 4m, cao 3m.
      Nếu chỉ nhìn sơ theo diện tích tất phán đoán rằng ngăn sau lớn hơn ngăn trước. Ta thử làm phép tính nhân xem :  3m x 4m x 6m  =  72 m3
         4m x 4m x 3m  =   48 m3.
      Một trời một vực phải không quý vị? Nếu như Ngăn chọn lầm đó mà do 1 Hung Tinh trấn ở đó thì thử hỏi tai hại cỡ nào? Trong phong thủy, chỉ cần 1 tính toán sai lầm của người thầy, thì có thể tai họa lập tức giáng xuống đầu gia chủ liền tức thời. Do đó, nếu muốn chọn Ngăn Chánh với Sao tốt hỗ trợ cho nhà, thì xin hãy cẩn thận xét cả chiều cao của ngăn đó!!!
      Ngăn Chánh thì Sao của nó được gọi là SAO CHÚA.
      Cùng với Du Niên Trạch, Sao Chúa góp phần chi phối sự lành dữ, cát hung của những người sống ở nhà đó. Do vậy, phải chọn Sao Chúa là 1 Cát Tinh mới đem lại lợi ích cho những người sống ở nhà đó. Và tốt hơn nữa, Cát Tinh đó phải hữu lực như: Đắc Vị, Đăng Điện hay tốt bậc nhất là NHẬP MIẾU.
      - Cát Tinh Đắc Vị là chỉ Sao TƯƠNG SANH với cung.
      - Cát Tinh Đăng Điện là chỉ Sao CÙNG NGŨ HÀNH với cung.
Ví dụ như : 2 cung Cấn-Đoài biến ra Vũ Khúc-Diên Niên Kim.
      vậy thì so với cung Cấn thì Sao Vũ Khúc Đắc Vị,
      nhưng so với cung Đoài thì Sao Vũ Khúc là Đăng Điện.
      - NHẬP MIẾU  là chỉ trường hợp Ngăn Chánh là ngăn cuối cùng, tức Sao Chúa trực ngộ Sơn Chủ, giáp với Sơn Chủ.
      Khi 1 căn nhà đã có Du Niên Trạch là 1 Cát Du Niên, lại thêm Sao Chúa là 1 Cát Tinh hữu lực thì khác nào như Gấm thêu hoa, như Rồng mây gặp hội, nhà càng hưng thịnh lâu bền.
      Khi 1 căn nhà có Du Niên Trạch là 1 Hung Du Niên, ta càng cần chọn 1 Sao Chúa là Cát Tinh hữu lực, nhắm áp chế bớt Hung Tinh. Trường hợp này, các nhà phong thủy gọi là YỂM SÁT TRẠCH. Khi gặp trường hợp này, thì tác dụng tốt của Sao Chúa sẽ bị giảm đi 1/3 đến 1/2 hiệu lực tốt đẹp vốn có của nó; thời gian còn lại, hiệu lực của nó rất yếu, khó chống ngăn nếu có thêm Hung Tinh nào nữa.
      TUYỆT ĐỐI KỴ lấy Sao Chúa là 1 Hung Tinh, nếu Hung Tinh này Đắc Vị, Đăng Điện hay Nhập miếu nữa thì càng thập phần nguy khốn cho gia chủ. Ví như 1 kẻ hôn quân bạo chúa mà lên nắm quyền sinh sát vậy, tha hồ mà hành hung tác ác, gieo tai rắc họa.
      Bất đắc dĩ lắm người ta mới dùng Cát Tinh Thất Vị (là chỉ Sao tương khắc với Cung) làm Sao Chúa. Vì 1 Cát Tinh Thất Vị có khác gì cá trên cạn, cọp xuống đồng bằng đâu, chẳng làm được gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét