Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Walter Lohman - Siêu bão Hải Yến đã dạy chúng ta điều gì về Trung Quốc?

Link : http://leanhhungblog.blogspot.com/2013/11/sieu-bao-hai-yen-day-chung-ta-ieu-gi-ve.html
Walter Lohman | The National Interest | 
  Lê Anh Hùng dịch
 Theo blog LAH
Nếu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần một lời nhắc nhở về sự khác biệt giữa trật tự do Mỹ lãnh đạo với một trật tự do Trung Quốc định hình thì phản ứng của hai siêu cường này trước siêu bão Hải Yến là một ví dụ trần trụi. Một nước điều lực lượng hải quân cùng thuỷ quân lục chiến đến giúp đỡ và cam kết viện trợ 20 triệu USD. Nước kia thì trao khoản hỗ trợ 100.000USD của chính phủ, cho đến khi không chịu nổi áp lực của cộng đồng quốc tế mới chịu tăng mức đóng góp lên 1,6 triệu USD, một con số vẫn thể hiện sự bần tiện.
Những bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực cần xem xét nghiêm túc ý nghĩa của sự so sánh này. Đây không phải là một hiện tượng bất thường.

Hoa Kỳ đã phạm sai lầm trong nhiều năm. Việc liên minh với các chế độ phi dân chủ — bất kể là Marcos ở Philippines hay Suharto ở Indonesia — thường là cần thiết để giành chiến thắng trong chiến tranh lạnh. Trong một số trường hợp, như ở Đài Loan hay Hàn Quốc, sự ủng hộ của chúng ta là một nhân tố quyết định để những nước này rốt cuộc cũng đi đến chỗ dân chủ hoá. Song chắc chắn là có những trường hợp mà ở đó chúng ta đã ủng hộ các nhà độc tài lâu hơn và đầy đủ hơn mức cần thiết.

Giờ đây, tất cả dường như đã quá rõ ràng. Nhưng trước đây thì không phải vậy. Và trong thực tiễn, đôi khi chúng ta cũng phạm sai lầm trong những sự việc cụ thể. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn luôn tìm cách đảm bảo một mức độ phép tắc cơ bản khi thực thi chính sách ngoại giao của mình. Cộng đồng cử tri đòi hỏi điều đó. Và khi thiếu vắng một bối cảnh chiến lược chi phối, bao trùm như thời chiến tranh lạnh, người ta lại càng dễ đưa ra phán xét cá nhân. 

Xin dẫn ra đây một dẫn chứng trước khi siêu bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines. Năm 2008, sau khi một cơn lốc xoáy tàn phá Myanmar, Hoa Kỳ đã hỗ trợ và 15 lần yêu cầu cho phép sử dụng lực lượng hải quân để hoạt động cứu trợ nạn nhân đạt hiệu quả cao nhất. Chính quyền Myanmar đã từ chối những yêu cầu đó, xuất phát từ thói đa nghi cũng như sự khiếm nhã “thâm căn cố đế” của họ. Vấn đề nằm ở chỗ, năm 2008 là thời điểm mà ít nước trên thế giới có mối quan hệ với Hoa Kỳ tồi tệ hơn quan hệ Myanmar - Hoa Kỳ. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn vượt qua điều đó để nỗ lực cứu trợ.

Hãy so sánh hành động trên đây của Mỹ với sự đối xử mà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa dành cho Philippines khi thảm hoạ Hải Yến xẩy ra. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines không diễn ra tốt đẹp trong ba bốn năm qua, song vẫn không tồi tệ như mối quan hệ Hoa Kỳ - Myanmar năm 2008. Không có lệnh cấm vận nào giữa hai quốc gia; hai bên vẫn giao thương với nhau, vẫn duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ, vẫn tương tác ở cấp cao, vẫn tham gia các diễn đàn ngoại giao với nhau, v.v. Nhưng theo chuẩn mực khu vực về quan hệ láng giềng tốt — đặc biệt là chuẩn mực của Trung Quốc, quốc gia vẫn đánh đồng sự phản bác yêu sách lãnh thổ của họ với sự thù địch — thì mối quan hệ đó là sóng gió. Philippines vẫn tiếp tục khẳng định yêu sách lãnh thổ của họ trên Biển Đông mà không cần biện minh, đồng thời thuyết phục bạn bè và láng giềng về quyền của mình. Trước sự phản đối của Trung Quốc, Philippines đã viện đến một hiệp ước quốc tế — Công ước LHQ về Luật Biển (mà Trung Quốc cũng là một thành viên) — để củng cố yêu sách của mình. Với những tội đó, trong con mắt của ban lãnh đạo Trung Quốc, Philippines rõ ràng là đã từ bỏ cơ hội nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho những người dân bị thảm hoạ.

Thật khó mà quy điều này cho sự tính toán sai lầm. Theo ý nghĩa rộng nhất, nó nằm trong một xu hướng. Tại sao Trung Quốc lại vứt bỏ chiến dịch “tấn công thiện cảm” nhằm vào Đông Nam Á mà họ từng thực hiện rất thành công vào đầu những năm 2000? Tại sao họ lại huỷ hoại các mối quan hệ ở đây vì những yêu sách lãnh thổ lạ lùng, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật? Tại sao họ lại chấp nhận rủi ro chiến tranh với Nhật Bản (và rộng ra là với các đồng minh của Mỹ) trên Biển Hoa Đông bằng việc tìm cách làm đảo lộn một hiện trạng hoà bình vốn phụng sự cả khu vực tốt đến vậy? Tại sao họ vẫn tiếp tục ủng hộ và bảo vệ chế độ đáng chê trách nhất trên thế giới ở Bắc Triều Tiên? Trên thực tế, Trung Quốc là đồng minh hiệp ước của Bắc Triều Tiên, họ vẫn tiếp tục hà hơi tiếp sức và trước sau như một ủng hộ Bắc Triều Tiên về ngoại giao.

Câu hỏi nổi lên từ sự kiện siêu bão Hải Yến là tại sao việc giúp đỡ một nước láng giềng đang bị tàn phá lại không phải là chuyện “không phải nghĩ” đối với ban lãnh đạo Trung Quốc. Có thể là người Trung Quốc không phải đang phạm sai lầm nghiêm trọng. Có thể là họ đang giải một bài toán khác với Hoa Kỳ. Lợi ích của họ không phải là trở thành một “cổ đông” hữu ích, cùng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, trong công cuộc duy trì một trật tự khu vực tự do, công bằng và hoà bình. Trái lại, bài toán của họ hướng tiêu điểm rất hẹp vào nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp trực tiếp cho lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. 

Một trật tự quốc tế với tâm điểm là tất cả các quốc gia thành viên theo đuổi những lợi ích quốc gia hẹp hòi (đến mức không có chỗ cho phép tắc con người cơ bản) không phải là một trật tự tương xứng với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đó chính là bài học cho chúng ta từ siêu bão Hải Yến.

  • Walter Lohman giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á Châu (Asian Studies Center) của Quỹ Di sản (The Heritage Foundation).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét