VỀ VỤ VIỆC HI HỮU CHUYỂN NHẦM TIỀN TẠI ĐÀ NẴNG: TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỌC THUYẾT CHIẾM HỮU THỰC TẾ!
Dẫn nhập: Việc chuyển nhầm tiền xảy ra không hiếm trong cuộc sống – Lưu ý, là ở đây Chúng ta đang nói về việc chuyển nhầm là nhầm lẫn thực sự, chứ không phải chiêu trò gì cả. Tuy nhiên, Vụ việc chuyển nhầm tiền tại Đà Nẵng là khá hi hữu, vì có sự xuất hiện của một Chủ thể rất quan trọng, đã trực tiếp chiếm giữ một phần số tiền bị chuyển nhầm. Câu chuyện đại khái như sau: Bà A chuyển nhầm vào tài khoản của Bà B số tiền 3 tỷ đồng. Khi trong tài khoản của Bà B báo có 3 tỷ đồng đó, thì Ngân hàng C đã khấu trừ/thu hồi nợ 1 tỷ đồng, do Bà B đang có nợ chưa trả cho Ngân hàng. Khi Bà A liên hệ để đòi lại tiền chuyển nhầm, thì Bà B đã hoàn trả 2 tỷ. Còn 1 tỷ Bà B chưa thể hoàn trả vì đã bị Ngân hàng thu hồi nợ như đã nêu. Ngân hàng thì chưa chịu trả lại cho Bà A, với lý luận trước đó Bà B đã vay nợ Ngân hàng, và có thỏa thuận cứ trong tài khoản Bà B có tiền, Ngân hàng được quyền tự động khấu trừ/thu hồi khi đến hạn. Đến thời điểm hiện tại, Bà A đã tố giác Bà B có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản ra Cơ quan có thẩm quyền, để yêu cầu xử lý theo đúng quy dịnh của pháp luật (Hết dẫn nhập).
Vụ việc vừa nêu, trở nên “hấp dẫn và lý thú” về mặt pháp lý, là bởi có thêm tình tiết Ngân hàng khấu trừ/thu hồi nợ vì thấy trong tài khoản của Bà B có tiền. Giả định nếu không có chi tiết đó, thì câu chuyện không có gì đáng bàn: Bà A chuyển nhầm tiền, Bà B trở thành Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, do đó có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho Bà A, tất nhiên ở đây Người có lỗi là Bà A, vì sự cẩu thả của mình đã gây ra phiền toái cho Bà B, nhưng đó không phải là lý do để Bà B được xác lập quyền sở hữu đối với khoản tiền này, nên dù phiền toái hay là gì, Bà B cũng phải làm thủ tục chuyển hoàn lại tiền cho Bà A.
Trong vụ việc trên, Bà B chưa thể chuyển hoàn 01 tỷ còn lại, bởi khoản tiền này đã bị Ngân hàng khấu trừ/thu hồi nợ như đã nói, chính vì thế Bà A mới tố giác Bà B về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên, có thể nói rằng, việc cáo buộc Bà B với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là không có cơ sở luận chứng và căn cứ pháp lý. Giả định nếu lúc đầu tiền vẫn nằm trong tài khoản của mình nhưng Bà B không chịu hoàn trả hoặc Bà B tự định đoạt số tiền này bằng cách rút ra hay chuyển đi nhằm thực hiện giao dịch nào đó – Thì hành vi của Bà B sẽ là chiếm giữ hoặc sử dụng trái phép tài sản.
Trong khi đó, việc Bà A chuyển nhầm tiền thì Bà B hoàn toàn bị động, tiếp theo đó việc Ngân hàng tự động khấu trừ/thu hồi nợ thì Bà B cũng hoàn toàn bị động nữa. Bà B hoàn toàn không có một lỗi lầm hay vi phạm pháp luật nào trong những sự bị động vừa nêu. Trách nhiệm duy nhất của Bà B là thông báo cho Ngân hàng biết đó không phải tiền của Bà B, mà là do Bà A chuyển nhầm, thì Bà B đã thông báo. Ngân hàng mặc dù đã được Bà B thông báo, nhưng vẫn không chịu hoàn trả cho Bà A, điều này không có lỗi của Bà B, vì điều đó nằm ngoài khả năng của Bà B.
Đúng là khi Bà A chuyển nhầm tiền cho Bà B, thì Người đầu tiên “nhận” được tiền là Bà B, nhưng cái nhận này không phải là cái nhận thực tế mà chỉ là một thông báo có dư tài khoản từ Ngân hàng, tức là Bà B chưa được cầm, sờ, nắn khoản tiền này (Tức chưa có sự chiếm giữ mang tính vật lý – 01 trong 02 phương thức thể hiện sự chiếm hữu tài sản), Bà cũng chưa hề được và chưa có khả năng chi phối, quản lý, kiểm soát đối với khoản tiền này (Phương thức còn lại của sự thể hiện chiếm hữu tài sản), thì đã bị Ngân hàng khấu trừ/thu hồi nợ, ngoài ý chí của Bà B. Do đó, không thể cáo buộc Bà B có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, vì Bà B chưa có hành vi, thậm chí là chưa được đặt vào trạng thái đã được chiếm hữu tài sản, như vừa nêu.
Trong vụ việc này, Chúng ta thấy rằng, ban đầu Ngân hàng là Chủ thể ngay tình, tức họ không biết và không buộc phải biết tiền trong tài khoản của Bà B là do chuyển nhầm mà có, nên khi thấy có tiền trong tài khoản, Họ sẽ tự động khấu trừ/thu hồi nợ của Bà B như đã thỏa thuận trước đây. Tuy nhiên, khi Ngân hàng đã biết rằng, tiền trong tài khoản của Bà B là do được chuyển nhầm mà có, tức đó là sự chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, nên Bà B không có quyền sở hữu với số tiền này, đồng nghĩa Ngân hàng không thể khấu trừ/thu hồi nợ. Do đó, Ngân hàng buộc phải tiến hành thủ tục để hoàn trả lại tiền cho Bà A.
Tất nhiên, trong một chừng mực nào đó, thì Ngân hàng cũng gọi là có “cái lý” của Họ, với lập luận đại loại: Ai biết nhầm thật, hay nhầm giả, biết đầu không muốn trả nợ, nên nại ra vậy thì sao?! Đến lúc này, vai trò của Cơ quan có thẩm quyền cực kỳ quan trọng, chỉ cần xác minh giữa Bà A và Bà B không có bất kỳ giao dịch nào làm phát sinh nghĩa vụ chuyển tiền giữa Bà A cho Bà B, tức việc chuyển nhầm là nhầm lẫn thật sự, thì lúc này Ngân hàng phải trả lại tiền cho Bà A.
Lưu ý thêm với Bà con rằng: Trong các tranh chấp pháp lý, việc xác định Người có nghĩa vụ chứng minh là rất quan trọng. Như trong Vụ việc này, khi cả Bà A và Bà B đều thừa nhận là chuyển nhầm, cho nên Ngân hàng muốn không trả lại tiền cho Bà A, thì Ngân hàng là Người có nghĩa vụ chứng minh việc chuyển tiền là không hề nhầm, tức Ngân hàng phải chứng minh tiền đó là tiền hợp pháp của Bà B, thì Ngân hàng mới có quyền khấu trừ. Mà như vậy, thì Ngân hàng phải đưa ra được chứng cứ, chứng minh rằng giữa Bà A và Bà B có tồn tại giao dịch, làm phát sinh nghĩa vụ chuyển tiền của Bà A cho Bà B. Nếu không có thêm tình tiết gì mới, việc Ngân hàng đưa ra được bằng chứng là bất khả thi. Theo đó, việc xác định Ngân hàng có nghĩa vụ chứng minh, sẽ khiến cho vụ việc nhanh chóng có lối ra hơn.
Có thể nói rằng, vụ việc trên không có quá nhiều tình tiết phức tạp, nhưng để giải quyết được nó cũng khá nhiêu khê, nhất là khi các Bên không thể tự giải quyết được, dẫn đến tranh chấp: Một Vụ kiện dân sự mất khá nhiều thời gian, còn một Vụ án hình sự là không có cơ sở nếu như không có tình tiết nào khác, ngoài những tình tiết đã được nêu trong phần dẫn nhập. Từ đó cho thấy - Mới chỉ là hành vi thiếu cẩn trọng dẫn đến việc chuyển nhầm tiền, chứng cứ rành rành ra đấy, đã gây ra biết bao hệ lụy phiền toái, mệt mỏi cho Đương sự; Thì những tranh chấp dạng khác, còn phức tạp và gian nan đến nhường nào. Vì thế, Bà con ta cần phải hết sực thận trọng khi thực hiện các hành vi pháp lý, nhằm phòng tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.
Viết tại Sài Gòn, ngày 20/07/2023 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét