Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Đỗ Trí Hùng: HÀNG RÀO TRONG NÃO

 HÀNG RÀO TRONG NÃO 

1 – Khi sáng tác ra quả Facebook, ông lỏi mặt ngựa, một chàng trai do thái thông minh kiệt xuất đã từng háo hức tuyên bố hồn nhiên và nồng nhiệt rằng, mạng xã hội của anh sẽ kết nối nhân loại, những đường biên giới, những màu da, những khác biệt chủng tộc sẽ không còn tồn tại…

Quả nhiên là ý tưởng ngây thơ đẹp đẽ… 

Chỉ thời gian ngắn sau đó, Mark đã nhận ra mình nhầm to. 

Xét về một số khía cạnh, đúng là fb đã giúp con người gần nhau hơn, nhưng đồng thời nó cũng trao tiếng nói và khả năng tổ chức cho những bộ lạc mới trên mạng – cách dùng chữ của tim marshall.

Có nhiều người bỏ thời gian chỉ để công kích và gây chia rẽ khắp thế giới mạng và có vẻ như chưa bao giờ có nhiều bộ lạc như thế và nhiều xung đột giữa họ như thế…

2 – Câu hỏi là, những bộ lạc thời hiện đại có hình dạng như thế nào?

Ngày xưa, ở một làng nọ, vùng núi xa xa, người dân sống kết đoàn và yêu thương nhau, họ làm nên tập tục, thói quen, văn hoá của làng mà ngày nay ta gọi là “bản sắc”

Bỗng có nhóm người phương xa đến, lập nên một làng khác ở gần đó, và tất nhiên họ cũng có tập tục, thói quen, văn hóa hay nói cách khác là “ bản sắc” của mình… 

Và, những người ở làng cũ nhìn đám người mới đến với ánh mắt lạ lẫm, rồi kháo nhau:

- Cái bọn người hoang dã này lạ … lạ lắm nhé, họ ăn cơm rất khác chúng ta!

- Ừ, cẩn thận đấy, đừng để bọn trẻ con đến gần họ…

Đây là câu chuyện về những “mầm mống” của sự kỳ thị lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người, đó là thái độ của chúng ta với “ kẻ khác”, tức “người ngoài”, và theo một nghĩa nào đó ta vừa sợ vừa kính trọng họ. 

Nếu kính trọng sẽ sinh hiếu khách, tặng quà tiếp đón.

Còn, nếu sợ sẽ sinh kỳ thị, coi người khác như kẻ thù…

“người ngoài là người mà ta chào đón hoặc giết” (Zygmunt Bauman)

3 –  Ý niệm về “ chúng ta và chúng nó” khiến ta dựng ngay những “bức tường” trong não mình và “chúng nó” hay “ kẻ khác” chỉ là người khác tôn giáo, khác niềm tin, khác màu da…

Và chúng ta không chịu được, vì kiểu gì thì chúng ta cũng đúng, chúng nó cũng sai, chúng ta văn minh chúng nó lạc hâu, chúng ta khôn và chúng nó thì dứt khoát… ngu!

Hơn 30 năm trước có một bức tường vật chất, giữa châu Âu, bị phá sập, người ta gọi là bức tường ô nhục chia rẽ con người, và người ta hớn hở tin rằng từ nay loài người sẽ chỉ ôm nhau, bất chấp những khác biệt…

Hoá ra không dễ thế!

Rất nhiều bức tường khác mọc lên, có hàng rào kẽm gai, có máy theo dõi từ xa và kinh khiếp nhất là những bức tường trong tâm trí con người…

Chúng ta luôn chia rẽ vì đủ kiểu lý do!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét