Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025

Alan J. Kuperman: Thật đáng buồn là Trump lại đã đúng về Ukraine

Đoàn Bảo Châu: "Đây là bài anh Ba Xàm dịch, tôi sẽ nhận xét ở dưới. Giáo sư vẫn có thể sai và sai nhiều. Sau bài này tôi sẽ tìm hiểu về vị giáo sư này. Thực ra tôi rất ngại dành nhiều thời gian cho việc này, bởi rất nhiều lý do nhưng đôi khi không thể không quan tâm và không thể không viết."

Thật đáng buồn là Trump lại đã đúng về Ukraine

THE HILL by Alan J. Kuperman, Opinion Contributor – 03/18/25

(Alan J. Kuperman là giáo sư tại Đại học Texas ở Austin, nơi ông giảng dạy các khóa học về chiến lược quân sự và quản lý xung đột).

Tôi hiếm khi đồng ý với Tổng thống Trump, nhưng những tuyên bố gây tranh cãi gần đây của ông về Ukraine phần lớn là đúng. Chúng chỉ có vẻ vô lý vì khán giả phương Tây đã liên tục được cung cấp thông tin sai lệch về Ukraine trong hơn một thập kỷ. Đã đến lúc làm rõ ba điểm chính cho sáng tỏ lý do tại sao người Ukraine và cựu Tổng thống Joe Biden — không chỉ riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin — phải chịu trách nhiệm đáng kể cho sự bùng nổ và kéo dài chiến tranh ở Ukraine.

Trước hết, như đã được chứng minh gần đây bằng chứng cứ pháp lý áp đảo, và thậm chí được xác nhận bởi một tòa án tại Kyiv, chính những chiến binh cánh hữu Ukraine đã bắt đầu hành động bạo lực vào năm 2014, khiến Nga xâm lược ban đầu vào phía đông nam của đất nước này, bao gồm cả Crimea. Khi đó, Ukraine có một tổng thống thân Nga, Viktor Yanukovych, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do và công bằng vào năm 2010, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ người Nga ở phía đông nam đất nước.

Năm 2013, ông quyết định theo đuổi hợp tác kinh tế với Nga thay vì châu Âu như đã lên kế hoạch trước đó. Các nhà hoạt động ủng hộ phương Tây đã phản ứng bằng cách chiếm đóng quảng trường Maidan và các văn phòng chính phủ của thủ đô một cách hòa bình, cho đến khi tổng thống cuối cùng đã đưa ra những nhượng bộ đáng kể vào giữa tháng 2 năm 2014, sau đó họ chủ yếu rút lui.

Tuy nhiên, ngay lúc đó, các tay súng cánh hữu cực đoan đang quan sát quảng trường bắt đầu nổ súng vào cảnh sát Ukraine và những người biểu tình còn lại. Cảnh sát đã bắn trả những chiến binh này, những người sau đó đã tuyên bố một cách sai trái rằng cảnh sát đã giết chết những người biểu tình không vũ trang. Phẫn nộ trước vụ thảm sát có vẻ như của chính phủ này, người dân Ukraine đã đổ về thủ đô và lật đổ tổng thống, người đã chạy trốn sang Nga để được bảo vệ.

Putin đã phản ứng bằng cách triển khai quân đội đến Crimea và vũ khí đến khu vực Donbas ở phía đông nam thay mặt cho những người Nga bản địa cảm thấy tổng thống của họ đã bị lật đổ một cách phi dân chủ. Mặc dù câu chuyện hậu trường này không biện minh cho cuộc xâm lược của Nga, nhưng nó giải thích rằng cuộc xâm lược này khó có thể “vô cớ”.

Thứ hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã góp phần vào một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn bằng cách vi phạm các thỏa thuận hòa bình với Nga và tìm kiếm viện trợ quân sự và tư cách thành viên của NATO. Các thỏa thuận, được gọi là Minsk 1 và 2, đã được đàm phán dưới thời người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Petro Poroshenko vào năm 2014 và 2015 để chấm dứt giao tranh ở phía đông nam và bảo vệ quân đội đang gặp nguy hiểm.

Ukraine sẽ đảm bảo quyền tự chủ chính trị hạn chế của Donbas, vào cuối năm 2015, điều mà Putin tin rằng sẽ đủ để ngăn Ukraine gia nhập — hoặc trở thành căn cứ quân sự cho — NATO. Đáng tiếc là Ukraine đã từ chối trong bảy năm thực hiện cam kết đó.

Zelensky thậm chí đã vận động tranh cử vào năm 2019 với lời hứa cuối cùng sẽ thực hiện các thỏa thuận để ngăn chặn chiến tranh tiếp theo. Nhưng sau khi thắng cử, ông đã nuốt lời, dường như ít quan tâm đến việc mạo hiểm gây chiến hơn là việc trông có vẻ yếu thế trước Nga.

Thay vào đó, Zelensky đã tăng cường nhập khẩu vũ khí từ các nước NATO, đây chính là giọt nước tràn ly đối với Putin. Vì vậy, vào ngày 21 tháng 2 năm 2022, Nga đã công nhận nền độc lập của Donbas, triển khai quân đội đến đó để “gìn giữ hòa bình” và yêu cầu Zelensky từ bỏ việc tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự và tư cách thành viên của NATO.

Khi Zelensky một lần nữa từ chối, Putin đã mở rộng mạnh mẽ cuộc tấn công quân sự của mình vào ngày 24 tháng 2. Dù có chủ ý hay không, Zelensky đã khiêu khích hành động xâm lược của Nga, mặc dù điều đó rõ ràng không phải là lý do bào chữa cho các tội ác chiến tranh sau đó của Moscow.

Thứ ba, Joe Biden cũng đóng góp quan trọng vào việc leo thang và kéo dài giao tranh. Vào cuối năm 2021, khi Putin huy động lực lượng ở biên giới Ukraine và yêu cầu thực hiện các thỏa thuận Minsk, có vẻ như rõ ràng rằng trừ khi Zelensky nhượng bộ, Nga sẽ xâm lược để ít nhất là tạo thành một cây cầu trên bộ giữa Donbas và Crimea.

Xem xét rằng Ukraine đã phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, nếu Tổng thống Biden khăng khăng yêu cầu Zelensky tuân thủ yêu cầu của Putin, điều đó đã xảy ra. Thay vào đó, Biden đáng tiếc đã để Zelensky quyết định và cam kết rằng nếu Nga xâm lược, Hoa Kỳ sẽ phản ứng “nhanh chóng và quyết đoán”, điều mà Zelensky coi là bật đèn xanh để thách thức Putin.

+ Tại sao Biden đã thua trong nước cờ khai cuộc ở Ukraine của Putin. “Ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Năm và ‘tái khẳng định’ rằng Hoa Kỳ sẽ ‘đáp trả một cách dứt khoát’ nếu Nga xâm lược, theo văn bản đọc lời kêu gọi do Nhà Trắng cung cấp.”

Nếu Trump là tổng thống, có lẽ ông ấy sẽ không cung cấp một sự hỗ trợ vô điều kiện như vậy, nên Zelensky sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc thực thi các thỏa thuận Minsk để ngăn chặn chiến tranh. Ngay cả khi Zelensky vẫn từ chối và khiêu khích Nga xâm lược, Trump sẽ không để ông ta có quyền phủ quyết trong các cuộc đàm phán hòa bình, điều mà Biden đã thiếu thận trọng khi tuyên bố, “Không có gì về Ukraine mà không có Ukraine”.

Lời cam kết đó đã khuyến khích Ukraine kéo dài chiến tranh với kỳ vọng cuối cùng là viện trợ quân sự mang tính quyết định của Hoa Kỳ, mà sau đó Biden đã từ chối cung cấp do lo ngại về leo thang hạt nhân. Theo cách đó, Biden đã gieo rắc hy vọng sai lầm ở Ukraine, vô ích duy trì một cuộc chiến đã giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm nghìn người chỉ trong hai năm qua, trong đó tiền tuyến đã dịch chuyển chưa đến 1% lãnh thổ của Ukraine.

Những phác thảo cơ bản của một thỏa thuận chấm dứt giao tranh là rõ ràng ngay cả khi các chi tiết vẫn đang được đàm phán, như Trump và Putin đã bắt đầu làm hôm nay trong một cuộc điện thoại. Nga sẽ tiếp tục chiếm đóng Crimea và các khu vực khác ở phía đông nam, trong khi phần còn lại của Ukraine sẽ không gia nhập NATO nhưng sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh từ một số nước phương Tây. Điều đáng buồn là một kế hoạch như vậy có thể đã đạt được ít nhất hai năm trước, nếu Tổng thống Biden chỉ cần đặt điều kiện viện trợ quân sự dựa trên việc Zelensky phải đàm phán ngừng bắn.

Thậm chí còn bi thảm hơn, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào xuất hiện sau chiến tranh cũng sẽ tệ hơn đối với Ukraine so với các thỏa thuận Minsk mà Zelensky đã ngu ngốc từ bỏ, vì tham vọng chính trị và kỳ vọng ngây thơ về sự hỗ trợ vô hạn của Hoa Kỳ.

* Tôi có mấy nhận xét sau: 

Kuperman lập luận rằng Ukraine và phương Tây phải chịu trách nhiệm lớn trong cuộc chiến, đấy là một lập luận một chiều, như thể cố quên đi vai trò chủ động của Nga.

Về sự kiện Maidan 2014 và sự can thiệp của Nga, Kuperman cho rằng các chiến binh cánh hữu Ukraine kích động bạo lực, dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Yanukovych và sự can thiệp của Nga. Tuy nhiên:  

Phong trào Maidan là phong trào quần chúng chứ không chỉ do phe cực hữu. Hàng trăm nghìn người Ukraine biểu tình vì chính phủ Yanukovych tham nhũng và từ chối Hiệp định với EU.

Bạo lực không chỉ đến từ phe biểu tình, mà còn từ chính quyền Yanukovych khi sử dụng cảnh sát đàn áp, dẫn đến thương vong lớn.  

Sự can thiệp của Nga không phải là phản ứng tự vệ, mà là kế hoạch đã có từ trước, thể hiện qua việc sáp nhập Crimea một cách nhanh chóng và hỗ trợ quân sự cho lực lượng ly khai Donbas. Putin đã "đục nước béo cò", lợi dụng mâu thuẫn giữa chính quyền thân Nga và người dân để Ukraine lúc ấy để tăng sự can thiệp.

Về thỏa thuận Minsk và vai trò của Zelensky

Kuperman chỉ trích Zelensky vì không tuân thủ Minsk và khiêu khích Nga bằng cách tìm kiếm hỗ trợ NATO. Tuy nhiên:  

Minsk không khả thi, vì Nga chưa từng có ý định rút quân hay chấm dứt can thiệp vào Donbas. Ukraine trao quyền tự trị cho một khu vực vẫn do Nga kiểm soát sẽ khiến đất nước bị thao túng. Kuperman cố tình nhìn một chiều. Không tìm kiếm sự hỗ trợ của Nato thì sao? Cứ ngồi đấy mà chờ Nga nuốt sống à? Việc tìm đồng minh trước một kẻ thù tiềm năng và lâu dài là đương nhiên, cũng như Việt Nam phải tìm đồng minh để đề phòng Trung Quốc. Ai cũng có quyền tìm giải pháp an toàn cho mình.

Zelensky không nuốt lời, mà thực tế là Nga tiếp tục gây hấn và không thể hiện thiện chí đàm phán. Việc ông tìm kiếm hỗ trợ quân sự không phải khiêu khích mà là biện pháp tự vệ.

Nga viện cớ mở rộng NATO để xâm lược, nhưng Ukraine chưa từng được hứa hẹn gia nhập NATO trong tương lai gần. Giờ Trung Quốc lấy cớ Việt Nam thiết lập quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ, Pháp mà tấn công thì sao?

Về vai trò của Biden và phương Tây

Kuperman đổ lỗi cho Biden vì bật đèn xanh cho Ukraine chống Nga và kéo dài chiến tranh. Tuy nhiên:

Biden không khuyến khích chiến tranh, mà đã nỗ lực răn đe Nga, cảnh báo từ trước và tìm cách đàm phán.

Lý luận của Kuperman thật vớ vẩn. Thế Biden phải làm sao? Không chống thì sao? Nó tấn công trước, không đánh thì sao? Dài hay không dài không phụ thuộc và nạn nhân khi đang bị đấm. Lại đổ lỗi cho nạn nhân.

Trump không phải giải pháp hòa bình, vì chính sách của ông thân thiện với Putin và từng trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine. Nếu ông làm tổng thống, có thể Ukraine sẽ bị bỏ mặc trước Nga.

Chiến tranh không kéo dài vì Mỹ, mà vì Nga không ngừng tấn công. Nếu không có viện trợ phương Tây, Ukraine có thể đã sụp đổ hoàn toàn và nhanh chóng.

Lập luận của Kuperman có xu hướng đổ lỗi cho Ukraine và phương Tây trong khi giảm nhẹ trách nhiệm của Nga. Cuộc chiến này không phải do sự khiêu khích của Ukraine mà do ý đồ kiểm soát Ukraine của Nga, thể hiện qua việc sáp nhập Crimea, hỗ trợ ly khai Donbas và xâm lược toàn diện năm 2022. Ukraine có quyền tự vệ và tìm kiếm đồng minh. Phương Tây hỗ trợ Ukraine không phải là kéo dài chiến tranh mà là giúp nước này bảo vệ chủ quyền trước một cuộc xâm lược phi pháp.

Tôi đã đọc nhiều loại giáo sư rồi, chẳng lạ gì. Không phải cứ giáo sư là đúng. Nếu thế thì đã không có chiến tranh. Vị giáo sư này không xứng đáng được sinh viên tôn trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét