QUỐC ÂM (NAM ÂM) CÓ MẶT NƠI MỖI VÙNG MIỀN RA SAO?
Thoát khỏi những mê hồn trận, bằng sự hiểu biết mạch lạc, không chập choạng. Làm được vậy, ắt từ năm 2025 trở đi sẽ đâm chồi nẩy lộc hi vọng cho người nước Nam.
* Trong tiếng Việt, mật độ quốc âm (Nam âm) so với mật độ âm Hán-Việt được dùng là KHÁC NHAU ở mỗi vùng, mỗi cõi - hệ quả của bối cảnh lịch sử.
* Cương vực nào sống trong “ngàn năm Bắc thuộc”? vùng nào chịu “hai mươi năm Minh thuộc”? Lãnh thổ nào không phải chịu "Bắc thuộc" lẫn "Minh thuộc"?
DẪN NHẬP
* “Văn hóa Hán tự”, ở đây được hiểu là “nền văn hóa dùng chữ Hán làm văn tự chánh thức”.
* Nam Kỳ, vào năm 1878 thì chữ Quốc ngữ trở thành văn tự chánh thức. Bắc Kỳ, vào năm 1915 kỳ thi cuối cùng dùng chữ Hán, sau đó chuyển qua chữ Quốc ngữ. Trung Kỳ, vào năm 1918-1919 kỳ thi cuối cùng dùng chữ Hán, sau đó nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ làm văn tự chánh thức.
/I/ “VĂN HÓA HÁN TỰ”
1/ Từ HÀ TĨNH trở ra phía Bắc (gọi theo tên tỉnh hiện nay cho dễ hình dung).
Vào năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, tạo nền độc lập lâu dài, cương vực lãnh thổ (về phía nam) tới Hà Tĩnh. Trước đó, là “một ngàn năm Bắc thuộc” (bắt đầu từ năm 111 TCN cho đến năm 938, trong đó gián đoạn 3 năm dưới đời Hai Bà Trưng và 34 năm dười đời Lý Bôn).
Một ngàn năm Bắc thuộc, dĩ nhiên, phải dùng chữ Hán (a).
Từ năm 938, các triều đại quân chủ nước Việt tiếp tục dùng chữ Hán, kéo dài cho đến đầu thế kỷ XX (b).
Như vậy, từ Hà Tĩnh trở ra Bắc sống trong “văn hóa Hán tự” a+b: gần 2.000 năm!
2/ QUẢNG BÌNH: sáp nhập vào năm 1069. Tính từ năm 1069 đến đầu thế kỷ XX (1918-1919), Quảng Bình nằm trong “văn hóa Hán tự” là gần 850 năm.
3/ QUẢNG TRỊ: sáp nhập một phần vào năm 1069, đến năm 1306 cương vực Quảng Trị (theo địa giới tỉnh hiện nay) mới sáp nhập hoàn toàn => Quảng Trị chịu “văn hóa Hán tự” trong khoảng hơn 600 năm cho đến gần 850 năm.
4/ PHÚ XUÂN – THỪA THIÊN: sáp nhập vào năm 1306, như vậy vùng này sống trong “văn hóa Hán tự” hơn 600 năm.
5/ QUẢNG NAM, QUẢNG NGÃI, BÌNH ĐỊNH: sáp nhập vào năm 1471. như vậy cả ba vùng đất này chịu “văn hóa Hán tự” là gần 450 năm.
6/ PHÚ YÊN cho đến BÌNH THUẬN:
Các đời chúa Nguyễn, khi định cõi ĐÀNG TRONG, đã thực hiện việc sáp nhập lần lượt bốn tỉnh ở miền duyên hải là Phú Yên (năm 1611), Khánh Hòa (năm 1653), Ninh Thuận (năm 1692), Bình Thuận (năm 1692) - đều diễn ra trong thế kỷ 17.
Tức là, trước thế kỷ 17 các tỉnh nêu ra đây KHÔNG thuộc “văn hóa Hán tự”. Phú Yên cho đến Bình Thuận chỉ chịu “văn hóa Hán tự” trong khoảng hơn 200 năm đến 300 năm.
7/ VÙNG CHÂU THỔ ĐỒNG NAI – CỬU LONG (“miền Nam”):
Các chúa Nguyễn xác lập chủ quyền chánh thức, đầu tiên tại vùng châu thổ là năm 1698 (Đồng Nai, Gia Định). Trước đó, trong nhiều thập niên của thế kỷ 17, lưu dân người Việt đã đi vô châu thổ khai phá (nhưng chưa xác lập chủ quyền, về danh nghĩa vẫn thuộc Chân Lạp). Hoàn tất sáp nhập toàn vùng là năm 1757-1758.
Miền Nam chỉ sống trong “văn hóa Hán tự” (dùng chữ Hán làm văn tự chánh thức bởi triều đình) bắt đầu từ cuối thế kỷ 17 cho đến năm 1878 (dùng chữ Quốc ngữ) là gần 200 năm mà thôi!
* Như vậy, miền Nam (châu thổ Đồng Nai – Cửu Long) của Đàng Trong chịu “văn hóa Hán tự” gần 200 năm, ít hơn hẳn so với Đàng Ngoài (từ Hà Tĩnh trở ra Bắc): chỉ là 1/10 thời gian so với Đàng Ngoài sống trong “văn hóa Hán tự” những gần 2.000 năm!
/II/ CAI TRỊ CỦA HÁN TỘC
* “Một ngàn năm Bắc thuộc” diễn ra tại Hà Tĩnh trở ra Bắc, chịu sự cai trị của nhiều triều đại Trung Hoa như Hán, Đường, Ngô, Tùy, Lương...
* “Hai mươi năm Minh thuộc”: nhà Minh đặt ách cai trị từ 1407 đến 1427 tại “Đàng Ngoài” (Hà Tĩnh trở ra Bắc) cùng với Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (tức toàn bộ lãnh thổ Đại Việt bấy giờ).
Tức Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sống trong thời Minh thuộc, kéo dài hai mươi năm. Tuy nhiên, cả ba nơi này đều KHÔNG chịu cảnh “ngàn năm Bắc thuộc”.
* Từ QUẢNG NAM trở vô, cho đến tận CÀ MAU đều KHÔNG phải sống dưới sự cai trị của các triều đình bên Tàu (không nằm trong cương vực “Bắc thuộc ngàn năm”, cũng không “Minh thuộc 20 năm”).
[Mãi đến hậu bán thế kỷ XX, vùng này chạm trán với cuộc xâm lược, chiếm đoạt từ Trung Quốc diễn ra tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc Quảng Nam, sau đó thuộc Đà Nẵng), và tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa)]
/III/ HỆ QUẢ GÌ ĐỐI VỚI TIẾNG VIỆT?
1/ Tiếng VIỆT ("Vietic", cách gọi trong ngành ngôn ngữ học) thuộc NGỮ HỆ NAM Á (Austro-asiatic).
Trong khi đó, tiếng Hán (dùng chữ Hán, và do đó kéo theo sự thành hình hệ thống âm Hán-Việt) lại thuộc Ngữ hệ Hán Tạng (Sino-tibetan).
Ngữ hệ đàng này mà phải mượn văn tự thuộc ngữ hệ đàng khác, thành thử dẫn đến:
(1a) Một mặt, bổ sung “từ ngữ vay mượn” (tức “từ ngữ Hán-Việt” thuộc về “loan words”) vào trong Tiếng Việt;
(1b) Nhưng mặt khác, rất đáng quan tâm: dẫn đến sự tổn thương, suy giảm chữ nghĩa nền tảng (tức Nam âm, thuộc về “basic words”).
2/ Trong thời kỳ ngoại bang cai trị (thời "Bắc thuộc ngàn năm", thời "Minh thuộc"), bọn họ đẩy mạnh (1a), chèn ép (1b) tới mức tối đa có thể được.
3/ "Văn hóa Hán tự" (tức là nền văn hóa dùng chữ Hán làm văn tự chánh thức) càng kéo dài thời gian "tại vị" càng làm tăng (1a), làm giảm (1b).
4/ Tiếng Việt - nhìn chung - vẫn duy trì được bản sắc, duy trì được sức sống. Điều này có thể nhìn thấy khi tìm hiểu kho tàng chữ Nôm (gìn giữ Nam âm)!
5/ Diễn giải ở phần I “Văn hóa Hán tự” tùy vào bối cảnh lịch sử khách quan, nơi miền châu thổ Đồng Nai - Cửu Long có dùng âm Hán-Việt nhưng ít hơn so với Đàng Ngoài, là vì vậy (*).
Nói cách khác, QUỐC ÂM (Nam âm) còn được dùng rất nhiều nơi miền châu thổ, và một số tỉnh miền duyên hải (Đàng Trong).
*&*
Như vậy, khi tìm hiểu tiếng Việt, cần lưu ý về bối cảnh lịch sử ("mật độ Nam âm" so với "mật độ âm Hán-Việt") thì mới có thể giải thích cho thấu đáo, không nhập nhằng!
-------------------------------------------------------
(*) Ngoài bối cảnh lịch sử quá khứ chất chồng, Đàng Ngoài sống trong "văn hóa Hán tự" rất lâu khiến cho mật độ âm Hán-Việt nhiều, còn có nguyên do... thời đại: từ giữa thế kỷ 20 (1954), ở đàng Ngoài còn "nhập khẩu" từ chữ Hán (mà đọc theo âm Việt, như "khẩn trương", "tranh thủ", "lưu ban", "xử lý"...) trong khi ở đàng Trong vẫn dùng quốc âm (Nam âm).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét