ĐƯỜNG ĐI CỦA NGỮ HỆ NAM Á & TIẾNG VIỆT (YIỆT)
/1/ Tiếng Việt (Yiệt), dù trong đó có từ vựng Hán-Việt nhưng đây thuộc về lớp “chữ nghĩa vay mượn” (loan words), bởi vì lớp “chữ nghĩa cơ bản” (basic words) và văn phạm mới hệ trọng trong phân loại ngôn ngữ học. Tiếng Việt không thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, mà thuộc về NGỮ HỆ NAM Á (Austro-Asiatic)!
Trong khi đó, phía Tây giáp với nước Lào, người Lào dùng ngôn ngữ thuộc NGỮ HỆ TAI-KADAI. Cũng dùng ngôn ngữ thuộc Ngữ hệ Tai-Kadai có người Thái, Tày, Nùng, Sán Chay, Giáy, người Bố Y...
Còn phía Bắc giáp với nước Tàu có Hán tộc và những tộc được gọi là "bài Yuè", “bác Yuỵt” (bách việt) đều dùng ngôn ngữ thuộc NGỮ HỆ HÁN-TẠNG (Sino-Tibetan).
Những tộc người sống trên lãnh thổ nước Việt mà dùng ngôn ngữ thuộc Ngữ Hệ Hán-Tạng có người Hà Nhì, người La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La, Phù Lá, Sán Dìu, người Ngái...
Bên kia Hoành Sơn, vào năm 938, dọc theo duyên hải từ Quảng Bình cho tới Bình Thuận, có người Chàm dùng ngôn ngữ thuộc NGỮ HỆ NAM ĐẢO (Austronesian).
Thấy gì? Phía Bắc thì NGỮ HỆ HÁN-TẠNG, phía Tây thì NGỮ HỆ TAI-KADAI, phía Nam (vào năm 938) là Vương quốc Chiêm thành dùng NGỮ HỆ NAM ĐẢO.
Ngôn ngữ của người VIỆT (“YỊT”/”YIỆT”) thuộc NGỮ HỆ NAM Á, nằm "lọt" giữa các ngữ hệ khác, bao bọc ba phía (Bắc, Tây, Nam).
(phía Đông là biển, chỉ có các loài thủy tộc, không có ... "người rồng" nào ở dưới biển)
Vì sao, sức sống của tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á vẫn duy trì, trong khi ngữ hệ Nam Á tựa như "nằm mình ên" giữa các ngữ hệ khác bao quanh?
/2/ Trong khi đó, ở tuốt luốt miền châu thổ Cửu Long - Đồng Nai, thấy gì?
* Từ thế kỷ 1 trước CN cho đến thế kỷ VII, nơi đây hiện diện Vương quốc Phù Nam (cùng thời gian này, người Việt đang chịu sự đô hộ Bắc thuộc). Khi suy tàn, sụp đổ, cư dân của Phù Nam tản mác khắp nơi (gồm cả việc giong thuyền đi về Mã Lai...). Ngôn ngữ của những tộc người thuộc Phù Nam thuộc ngữ hệ nào?
Còn nhiều khảo cứu chưa định ra kết luận cuối cùng, NHƯNG một số tộc người được cho là bản địa từ thời Phù Nam vẫn đang có mặt: Stieng, Chrau Jro (Chơ Ro), Maa (Mạ)... Ngôn ngữ của những tộc người này đều thuộc NGỮ HỆ NAM Á.
* Thay thế Phù Nam tại đây là Đế quốc Khmer, vùng này được gọi "Thủy Chân Lạp", hiện diện kéo dài cho mãi đến thế kỷ 17 (sau đó dần dần sáp nhập Thủy Chân Lạp vào ĐÀNG TRONG). Tiếng Khmer cũng thuộc NGỮ HỆ NAM Á.
/3/ TIẾNG VIỆT không bị đồng hóa dưới thời Bắc thuộc, không trở thành một ngôn ngữ thuộc Ngữ hệ Hán-Tạng, mà vẫn thuộc Ngữ hệ Nam Á.
Nếu là "ốc đảo" không có sự tiếp biến, giao thoa... thì làm sao giữ được bản sắc ngôn ngữ thuộc Nam Á? Không lẽ người Việt và các tộc người ở miền châu thổ Cửu Long - Đồng Nai, xa xưa, lập ... "cầu không vận" để có sự tiếp biến ngôn ngữ, giao thoa, mà giới ngôn ngữ học phân loại đều thuộc Ngữ hệ Nam Á?
3a) Tiếng MƯỜNG ở Thanh Hóa, Hòa Bình..., thuộc ngữ chi Việt-Mường (còn gọi “Vietic”) trong NGỮ HỆ NAM Á.
3b) Mời quí bạn đưa mắt nhìn lên vùng cao nguyên miền Trung.
Ngoại trừ bốn tộc người Rhade (Ê-đê), Jrai, Chru (Chu Ru), Raglay dùng ngôn ngữ thuộc Ngữ hệ Nam Đảo (cùng với tộc người Chàm ở duyên hải miền Trung), thấy gì từ nhiều tộc người còn lại nơi vùng cao?
Ở phía nam cao nguyên miền Trung, tiếng nói các tộc người Koho, Mnong ... thuộc NGỮ HỆ NAM Á. Ở phía bắc cao nguyên Miền Trung, các tộc người Bahnar, Sedang, H'rê, Jeh-Tariang (Gié Triêng)... dùng ngôn ngữ thuộc NGỮ HỆ NAM Á.
3c) Rồi, tiếng Co (Kor) (miền núi Quảng Ngãi, Quảng Nam), tiếng Katu (trên miền núi Quảng Nam, Thừa Thiên), tiếng Ta’Oih (miền cao ở Thừa Thiên, Quảng Trị), tiếng Bru (miền cao ở Quảng Trị, Quảng Bình), tiếng Chut (Chứt) (miền cao ở Quảng Bình, Hà Tĩnh), tiếng Khmu (Nghệ An)... , hết thảy đều thuộc NGỮ HỆ NAM Á.
=> Vậy là có sự liên thuộc, tiếp biến trong NGỮ HỆ NAM Á: nối Nam và Bắc qua "xương sống" cao nguyên miền Trung đó đa!
TẠM THAY LỜI KẾT
Theo nhà ngôn ngữ học Sidwell, NGỮ HỆ NAM Á là ngữ hệ bản địa của Đông Nam Á lục địa, cách đây khoảng 4.000 năm. Sự có mặt của ngữ hệ khác tại vùng này, như ngữ hệ Hán-Tạng, là kết quả của những đợt di cư về sau mà thôi!
Nhà Hán đặt ách đô hộ lên vùng châu thổ sông Hồng sông Mã, kéo theo việc thâm nhập chữ Hán, và những đợt người thuộc "bài Yuè", “bác Yuỵt” từ phía nam sông Dương Tử tràn xuống, tiếng nói của họ đều thuộc Ngữ hệ Hán-Tạng.
Dữ kiện tiếng Việt vẫn thuộc về NGỮ HỆ NAM Á, cho thấy nguồn gốc của "chủ nhơn" vùng châu thổ nơi đây KHÔNG thuộc về "bài Yuè" (“bác Yuỵt”).
* Kỳ 2 - Đường đi của TIẾNG VIỆT: nơi nào lưu giữ Quốc âm, tức Nam âm, nhiều hơn hết ? Vì sao ?
-------------------------------------------------------------
Hình ảnh (cột trái) Người Bahnar, người Mường
Hình ảnh (cột phải) Người Việt (trên cùng), người Khmer (giữa), người Khmu (dưới cùng)
Ngôn ngữ của các tộc người này đều thuộc NGỮ HỆ NAM Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét