Ở ĐÂY NGƯỜI TA KHÔNG LÀM VẬY
Trước đây tôi từng vài lần giới thiệu với anh em bộ phim Samsara, phim kể về một lạt ma Tây Tạng tên Thasi phá giới và lập gia đình, nhưng cũng không tìm thấy hạnh phúc và ngoại tình với một cô gái Bangladesh, sau đó đau khổ và lìa bỏ vợ con, mặc lại áo tu và trở về tu viện, nửa đường thì hết phim.
Trong phim đó còn một chi tiết rất hay, đó là khi thương gia Dawa mua lúa của nông dân trong vùng và ép giá, Thasi đã biết và nói dân làng không bán lúa cho Dawa nữa, nhưng cùng nhau đem lên chợ lớn bán cho có giá hơn, Dawa tức tối bỏ đi vì mất mối làm ăn. Sau đó chờ ngày thu hoạch thì đồng lúa bị cháy, không rõ lý do gì. Thasi đã nổi giận và chạy đi tìm Dawa để hỏi tội, Dawa đã sỉ vả vào mặt Thasi một câu khiến anh chàng lạnh người: “Ở đây chúng tôi không làm vậy!”. Thasi là người từ vùng khác tới, và đối với một thầy tu xuất như Thasi, con người có thể ác tới mức đốt mùa màng để hại nhau. Nhưng Dawa dù là một thương nhân vụ lợi, lại không hề có ý nghĩ về chuyện hại người trong từ điển cuộc đời mình, và tin rằng cả dân nơi mình ở cũng vậy. Tất nhiên sau đó Thasi bị anh em của Dawa đấm cho một trận và lê lết trở về nhà, nhưng cái đau hơn của Thasi chính là giá trị quan và nhân sinh quan của anh này bị đảo lộn sâu thẳm. Sự biến này đã có những ảnh hưởng rất lớn đưa tới những quyết định sau đó của Thasi, kể cả chuyện đi về tu viện.
Câu nói của Dawa in vào trong đầu tôi và liên tục tái hiện từ khi tôi đi ra nước ngoài đi học rồi đi làm. Ở đây người ta không làm rất nhiều việc mà trước đó tôi còn thấy là bình thường. Học được nhiều thứ và cũng rút kinh nghiệm nhiều chuyện. Để dễ hình dung, ở đây người ta không sợ sệt co rúm nhân viên ở các cửa công, trong đầu người dân không hề có ý niệm đó. Ở đây người ta thích tuyển những học sinh chăm chỉ đi học 100% các buổi học, hơn là các bạn được 100% số điểm nhưng có cúp cua hay trốn học, nếu có hai học sinh như vậy cùng dự thi vào một trường và tỉ lệ chọi là 1/1, bạn thứ hai chắc chắn rớt. Xem trọng thành tích hơn tác phong ư? Ở đây người ta không làm thế!
Làm việc với người Nepal, công văn bị lỗi, báo về họ sửa lại, nước họ dùng mẫu tự Devanagari loằng ngoằng, mà phải dịch ra Anh văn rồi ra cửa công để chứng thực, chỉ sợ trễ nãi, hỏi có cách nào đi cửa sau nhanh hơn không, họ cười: ở đây chúng tôi không làm thế! Nhưng công vụ viên của họ đã nhiệt tình ở lại xử lý tới khuya cho được việc. Nepal chưa phát triển và mọi thứ còn thô sơ lắm, có những cơ quan chính phủ vẫn đang xài Gmail, nhưng tinh thần này của công chức chắc sẽ khiến đất nước nhanh phát triển.
Cũng như cách mà những đồng nghiệp người Tàu của tôi thấy sợ khi đi về nước và tiếp xúc với người nước tụi nó, sống ngay thẳng dường như đã trở thành cái gì đó rất ngu dại ở xứ mình…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét