Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

FB Nguyễn Chương-Mt: KHÁM PHÁ CHIỀU SÂU CỦA DÒNG CHẢY NGẦM TRONG LỊCH SỬ...

KHÁM PHÁ CHIỀU SÂU CỦA DÒNG CHẢY NGẦM TRONG LỊCH SỬ...

* Rất nhiều người không được diễn giải cho biết: tướng quân TRƯƠNG ĐỊNH là dượng (họ) của VUA TỰ ĐỨC.

* Bởi vậy, khi quan đại thần Phan Thanh Giản hỏi han ý kiến của tướng quân Trương Định, ông đáp hết sức hòa nhã, bình thản: “Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hòa, còn việc của Định thì Định cứ làm”. 

/1/ Quí bạn về thăm Gò Công, ắt đều biết đến ngôi nhà Đốc phủ Hải. Dân làm phim càng biết nhiều, vì thường mướn nơi đây làm bối cảnh quay phim xưa. Đây không kể chi li về lai lịch Đốc phủ Hải, chỉ cần biết rằng, vài đời trước đó cơ ngơi này thuộc về gia sản của bà Trần Thị Sanh (1820-1882).

Bà TRẦN THỊ SANH là ai? Bà là vợ thứ của Trương Định.

(vợ chánh là bà Lê Thị Thưởng sống tại quê chồng ngoài Quảng Ngãi, trong khi Trương Định dấy binh khởi nghĩa chống Pháp năm 1861 tại Gia Thuận, Gò Công)

/2/ Bà Sanh có gia thế rỡ ràng: thân mẫu của bà là Phạm Thi Phụng, thân mẫu là em ruột của đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (cha của Hoàng thái hậu Từ Dụ, tên húy là Phạm Thị Hằng). 

Giữa Từ Dụ và Trần Thị Sanh là chị em họ.

Thuở thiếu thời của Từ Dụ, do mẹ mất sớm nên được cô ruột (bà Phạm Thị Phụng) tận tâm chăm sóc, thành thử mối liên hệ giữa hai chị em họ (Từ Dụ - Trần Thị Sanh) gắn bó thân tình với nhau như thủ túc!

Vua Tự Đức, con của Hoàng thái hậu Từ Dụ, gọi bà Sanh là dì (họ). 

Trương Định ngỏ lời cầu hôn bà Sanh (sau khi bà mãn tang chồng). Hoàng thái hậu Từ Dụ tán thành cho cuộc hôn nhân giữa em họ (Trần Thị Sanh) với Trương Định thành sự.

Nên nhớ: vào thời điểm thành hôn, tháng 8 năm 1862, Trương Định đã khởi nghĩa chống Pháp. Hoàng thái hậu Từ Dụ và vua Tự Đức đều biết rõ rành việc này. 

Duyên tình giữa Trương Định với bà Sanh được kết nối, thành thử nhà vua Tự Đức gọi tướng quân Trương Định là dượng rể (họ).

/3/ Việc bà Sanh thuận làm vợ thứ của Trương Định giúp cho nghĩa quân thêm thanh thế. Toàn bộ khâu hậu cần (lương thực, võ khí) của nghĩa quân đều nhờ vào tài lực dồi dào từ người dì (họ) của vua Tự Đức!

Nghĩa quân của Trương Định không chỉ ở vùng Gò Công, mà ngày càng lan tỏa thanh thế đến Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, và kéo dài đến tận biên giới với Cao Miên!

/4/ Điều này có liên quan đến sách lược "lưỡng diện" (兩 面, "hai mặt") của triều đình Huế: một mặt, công khai cầu hòa với Pháp; mặt khác, qua “cầu nối” bà Trần Thị Sanh, hậu thuẫn cho nghĩa binh Trương Định.

Trên bề mặt công khai, vua Tự Đức ra chiếu khuyến dụ Trương Định bãi binh trước ánh mắt dò xét của người Pháp, bởi vì Pháp biết Trương Định là dượng của vua Tự Đức (dượng rể họ).

Thành thử khi quan đại thần Phan Thanh Giản hỏi han ý kiến của tướng quân Trương Định, ông trả lời bình thản, điềm tĩnh: “Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hòa, còn việc của Định thì Định cứ làm”. 

/5/ Quí bạn sẽ nghĩ gì, nếu biết những dữ kiện sau đây:

* Khi hay tin Trương Định tuẫn tiết, chính vua Tự Đức ban lệnh cho lập đền thờ ông tại quê gốc Tư Cung (Quảng Ngãi). 

* Đặc biệt, triều Nguyễn truy phong cho Trương Định tước “CÔNG” (公) là tước vị xã hội cao nhứt, trong “ngũ đẳng”!

(Công, Hầu, Bá, Tử, Nam; riêng tước "Vương" dành cho người trong dòng tộc Nguyễn Phước). 

Về sau này, nhiều thế hệ trong Nam quen gọi "Trương CÔNG Định" là vì vậy, một cách gọi trang trọng, tôn kính.

* Chánh sử của triều Nguyễn dành những dòng trang trọng, như sau: 

“Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược; luôn chống đánh người Pháp". 

*&*

Ắt hẳn không ít quí bạn bỡ ngỡ, bởi bấy lâu tưởng tướng quân Trương Định và vua Tự Đức "không đội trời chung", tưởng như rứa cũng vì chưa được hiểu toàn cục của lịch sử nước Nam! 

Vua Tự Đức và triều đình Nhà Nguyễn đã dành sự tôn trọng, hơn nữa còn là TÔN VINH đối với người anh hùng kháng Pháp: tướng quân Trương CÔNG Định! ./.

---------------------------------------------------------------

(hình dưới): Chân dung tướng quân TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH; 

(hình giữa): Dinh thự Đốc phủ Hải ở Gò Công, vài đời trước đó thuộc về gia sản của bà TRẦN THỊ SANH, vợ thứ của tướng quân Trương Định;

(hình trên): Mộ và đền thờ anh hùng Trương Định tại Gò Công.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét