Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

FB Nguyễn Chương-Mt: KỲ 1- KẾT HỢP 2 NGUYÊN TẮC "BÌNH ĐẲNG" & "THEO ĐA SỐ"

 Tiếp theo bài DẪN NHẬP (*)

KỲ 1: KẾT HỢP 2 NGUYÊN TẮC "BÌNH ĐẲNG" & "THEO ĐA SỐ"

Vì sao, phải có sự kết hợp 2 nguyên tắc như vậy? 

I/ THƯỢNG VIỆN MỸ: Nguyên tắc "DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG"

 Nước Mỹ là một quốc gia hợp thành từ 50 tiểu bang, khác với "quốc gia đơn nhứt" như nước Pháp. Mỗi tiểu bang chẳng khác nào một "tiểu quốc" với thẩm quyền tự trị rất lớn (hành pháp, lập pháp, tư pháp của tiểu bang), với điều kiện là thẩm quyền tự trị không đi ngược với Hiến pháp liên bang (Hiến pháp Mỹ). 

Tiểu bang dù ít dân như Alaska hay đông dân như California cũng đều BÌNH ĐẲNG trong tư cách "state" tham gia Liên bang. Tiểu bang lớn không thể "chèn ép" tiểu bang nhỏ. Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng, Hiến pháp Mỹ qui định cử tri của mỗi tiểu bang (bất luận lớn nhỏ) đều được quyền bầu ra 2 Thượng nghị sĩ (Senators) có mặt trong Thượng viện liên bang (Senate).

Cả thảy 50 states (tiểu bang), thành thử có tổng cộng là 100 Thượng nghị sĩ trong Thượng viện nước Mỹ.

II/ HẠ VIỆN MỸ: Nguyên tắc "DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ" 

Nếu chỉ có mỗi nguyên tắc "dân chủ bình đẳng" giữa các tiểu bang, nói nào ngay, những tiểu bang đông dân mà "cào bằng" với tiểu bang ít dân là không hợp lý. 

Thành thử HẠ VIỆN (House of Representatives) được dựa trên nguyên tắc "DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ", nghĩa là tiểu bang đông cử tri được quyền có số lượng Dân biểu (có mặt trong Hạ viện liên bang) nhiều hơn tiểu bang ít cử tri.

Cả thảy nước Mỹ có 435 "Khu vực Quốc hội" ("Congressional Districts": CD). Ở mỗi khu CD, cử tri bầu ra 1 Dân biểu, tổng cộng là 435 Dân biểu sẽ có mặt trong Hạ viện liên bang.

Mỗi khu CD được phân bổ dựa trên dân số (tiến hành điều tra dân số mỗi 10 năm một lần). Theo đó, hiện nay mỗi khu CD có bình quân 761.169 người (đợt bầu cử trước đây, bình quân gần 710.000 người mỗi khu CD). 

Cuộc bầu cử Hạ Viện sắp tới đây (tháng 11/2024), tiểu bang California có 52 khu CD, tức sẽ bầu 52 Dân biểu (giám 1, so với kỳ bầu cử trước đây), tiểu bang New York có 26 khu CD. tức sẽ có 26 Dân biểu (giám 1 so với trước đây), tiểu bang Florida có 28 khu CD, tức có 28 Dân biểu (tăng 1 so với trước đây), tiểu bang Texas có 38 khu CD, tức sẽ bầu 38 Dân biểu (tăng 2 so với trước đây)... 

Có tiểu bang tăng, tiểu bang giảm, tiểu bang giữ nguyên số Dân biểu, nhưng tổng cộng vẫn là 435 Dân biểu liên bang. 

III/ Tới đây, ắt quí bạn đã thấy, mỗi Dân biểu (trong Hạ viện Liên bang) chỉ phải tranh cử trong khu CD của họ mà thôi (hơn 760.000 ngàn người) Thành thử nhiệm kỳ của họ khá ngắn (2 năm). 

Tháng 11/2024 tới đây, Hạ viện liên bang được bầu lại toàn bộ 435 Dân biểu. 

Trong khi đó, khó khăn hơn, ứng viên muốn trở thành Thượng nghị sĩ thì phải chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của cử tri toàn TIỂU BANG (khác với Dân biểu Hạ viện chỉ do cử tri của mỗi khu vực CD bỏ phiếu thôi). Thành thử nhiệm kỳ của Thượng nghị sĩ (senator) được dài hơn, là 6 năm.

Bầu cử vào Thượng viện được tiến hành "cuốn chiếu", cứ 2 năm bầu lại 1/3 số Thượng nghị sĩ mãn nhiệm kỳ. 

* Bầu cử TỔNG THỐNG Mỹ được dựa trên NỀN TẢNG là lá phiếu cử tri phổ thông (popular votes) bầu trực tiếp. Nhưng, vì sao lại có thể thức gọi là "electoral votes"? 

"ELECTORAL VOTES" chính là cách thức thể hiện ĐẶC SẮC cho sự kếp hợp giữa nguyên tắc "dân chủ bình đẳng" và nguyên tắc "dân chủ theo đa số"!

Xin giải thích tỏ tường trong kỳ tới (và đưa ra cách chuyển ngữ đúng đắn cho Electoral votes, Electoral colleges...). 

-----------------------------------------------------------

Xem bài trước: DẪN NHẬP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét