TÀU CAO TỐC…CAO SỐ
Có thể nói, người ta nỗ lực và đã thành công (nhưng có kết cục bi thảm) nhằm tạo ra một hệ thống vận tải hành khách tốc độ cao ở Canada, đó là “tàu turbo” (TurboTrain).
Như bạn đã biết, ngày nay thời gian di chuyển bằng tàu hỏa giữa hai thành phố lớn nhất của Canada - Toronto và Montréal - cũng tương đương với khi bạn đi bằng ô tô - khoảng sáu giờ (Tàu hoả mất 4 giờ 45 phút nếu bạn may mắn và tàu chạy trên đường ray riêng không vướng tàu vận chuyển hàng hóa).
Nhưng trước kia khác đấy. Năm 1968, CN Rail giới thiệu TurboTrain, một đầu máy khổng lồ có thể vận chuyển khối lượng tàu chở người từ thủ đô Ontario đến Montreal chỉ trong hai giờ—một phần ba thời gian cần thiết để đi trên cùng một tuyến đường hiện nay.
Trông giống như Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph nổi tiếng, thủ lĩnh kéo xe của ông già Noel, TurboTrain có thể đưa Canada trở thành quốc gia dẫn đầu thực sự trong lĩnh vực vận tải tốc độ cao. Quả thực, vào năm 1968, cả Nhật Bản và Pháp đều chỉ có kế hoạch thực hiện các dự án tốc độ cao của riêng mình.Đầu máy xe lửa và toa xe được chế tạo tại tập đoàn Montreal Locomotive Works ở Montréal và được CN Rail mua và vận hành. Lần đầu tiên trong ngành đường sắt Bắc Mỹ, chúng được chế tạo giống như máy bay, sử dụng hợp kim nhôm và có tính đến yếu tố khí động học.
Phần mũi nhọn, hơi tròn, hình dạng “mái vòm” của buồng lái “đầu máy” giúp nó có thể “xuyên qua không khí”, đồng thời các cửa ra vào và cửa sổ lõm vào toa đã góp phần tạo nên sự tinh giản hơn nữa. Mỗi đoàn tàu (và đoàn tàu gồm bảy toa) chỉ nặng 185 tấn - bằng một phần ba so với đoàn tàu “không tốc độ cao” thông thường vào thời điểm đó. Cửa dành cho hành khách không nằm ở cuối toa mà ở chính giữa, và những chiếc toa xe được kết nối bán cố định được trang bị hệ thống bánh xe đặc biệt cho phép toa nghiêng khi rẽ - chúng có thể được vượt qua với tốc độ lớn hơn nhiều mà không gây say sóng cho hành khách. Mỗi đầu máy xe lửa có 5 động cơ tua-bin khí Pratt & Whitney Canada PT6 công suất 400 mã lực mỗi chiếc. Bốn chiếc kéo đoàn tàu theo đường ray, và chiếc thứ năm cung cấp điện cho các toa xe.
Trong lúc thử nghiệm, TurboTrain đạt tốc độ 274 km/h, nhưng khi đưa vào sử dụng, nó thường chỉ được phép chạy với tốc độ bằng một nửa tốc độ đó. Tất nhiên, con át chủ bài của TurboTrain là tốc độ, nhưng người ta đã quyết định biến chương trình này trở thành mẫu mực trong dịch vụ hành khách. Dịch vụ ở đây rất hoàn hảo và thiết kế của các toa xe đều sử dụng vật liệu tự nhiên và thậm chí cả vải dệt thủ công. Ba mẫu quần áo dành cho tiếp viên được chế tạo đặc biệt. Ví dụ, các tiếp viên mặc áo khoác nhẹ màu đỏ, ngắn đến đầu gối, rộng rãi, mũ nồi trắng, áo blazer trắng và váy cùng màu, có thể thay thế bằng một bộ đồng phục khác - bộ quần đen để phục vụ bữa tối trong thời gian hành trình. Nhìn chung, đàn ông đều ăn mặc lịch sự không kém.
Ở phần trước và sau của đoàn tàu, các "mái vòm" được lắp đặt, nâng cao hơn mặt bằng chung của các toa, trong đó có các câu lạc bộ doanh nhân dành cho những hành khách giàu có nhất. Tại đây, bạn có thể gọi món cocktail yêu thích của mình hoặc thưởng thức món thịt bò thăn, thịt bê cordon bleu hoặc món bít tết yêu thích của bạn, nếm thử coque au vin (gà trống nấu bằng rượu vang Pháp), chiêm ngưỡng khung cảnh đồng quê của Ontario và Quebec qua cửa sổ. Giai cấp vô sản thuộc tầng lớp “du lịch” được cho ăn các món ăn được hâm nóng bằng một thiết bị mới lúc bấy giờ - lò vi sóng, và quảng cáo nói rằng đồ ăn nóng sẽ được phục vụ vài giây sau khi gọi món. Món ăn này trông giống như những món được phục vụ trên máy bay vào thời điểm đó.
Trên chuyến tàu đầu tiên từ Toronto đến Montréal, với các toa chở đầy nhà báo, gần Kingston, đoàn tàu đã đâm vào một chiếc xe tải chở thịt. Dù không có ai bị thương và đoàn tàu chỉ bị hư hỏng nhẹ nhưng đây là “tiếng chuông” đầu tiên trong chuỗi rắc rối bắt đầu ập đến với TurboTrain.
Ngay sau khi con tàu lập kỷ lục tốc độ toàn Canada là 226 km/h trên đoạn đường gần Gananoque, Ontario, các vấn đề kỹ thuật đã bắt đầu xảy ra. Vào mùa đông, hệ thống phanh bị đơ và khí thải từ đầu máy bốc lên cửa sổ của các toa được nâng cao. Năm 1971, các đoàn tàu phải ngừng hoạt động và đưa trở lại địa điểm thử nghiệm.
Năm 1973, TurboTrain quay trở lại với số lượng toa tăng từ bảy lên chín toa. Những toa xe và đầu máy xe lửa "mái vòm" được bán sang Hoa Kỳ, nơi chúng được sử dụng trên các tuyến Amtrack. Tuy nhiên, do một loạt vấn đề, doanh số bán hàng sụt giảm và chấm dứt hoàn toàn vào năm 1975, khi một vụ hỏa hoạn bùng phát trên một trong những đầu máy xe lửa đậu bên hông.
Năm 1978, các đoàn tàu TurboTrain được chuyển sang Via Rail, được thành lập để cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách. Đường ray vẫn là tài sản của CN. Bước nhảy vọt này với nhu cầu phối hợp chuyển động liên tục theo đường ray đã dẫn đến việc tàu cao tốc phải giảm tốc độ và đôi khi phải dừng hẳn để cho tàu chở hàng đi qua.
(Nhân tiện, vấn đề tương tự cũng ám ảnh ngành đường sắt của chúng ta ngày nay.
Một vấn đề khác là việc di chuyển. Trong điều kiện tàu cao tốc được đưa vào vận hành, cần giảm số lượng đường cắt ngang bằng cách đưa chúng vào đường hầm hoặc xây cầu bắc qua đường ray).
Chưa đầy 20 năm sau khi ra mắt, dịch vụ TurboTrain đã bị hủy bỏ hoàn toàn, thay thế những cỗ máy mạnh mẽ bằng những cỗ máy diesel LRC ngày nay, được tạo ra từ những năm 80. Lý do nghe có vẻ khó tin, nhưng thực tế là tàu và toa rất tốt, nhưng…giá dầu hoả lên, và thế là chi phí trở nên quá đắt, càng chạy càng lỗ! Tất cả các đoàn tàu đều bị loại bỏ, không còn một chiếc nào để thế hệ tương lai có cơ hội chiêm ngưỡng thành tích của cha ông họ.
Kể từ đó, không có phương tiện nào di chuyển nhanh trên đường ray Canada như TurboTrain, loại xe đã ngừng hoạt động khoảng 30 năm trước. Cú ngã nhớ đời…
(Sưu tầm và lược dịch)
Lời bàn của Người Đánh Máy: không có dự án lớn nhỏ nào không có rủi ro. Và rủi ro lớn nhất là ở con người: nếu ô sin nhà bạn nấu cơm còn bữa đực bữa cái, lại hay tắt mắt và nói dối quanh, thì bạn có giao cho người ấy nấu cỗ cho cả họ không?
Bài trên trang FB Nam Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét