Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

FB Nguyễn Chương-Mt: GHI NHỚ SANH QUÁN & CÔNG SỨC DÀNH CHO MIỀN CHÂU THỔ

 Người Nam quí trọng sử Nam! 

GHI NHỚ SANH QUÁN & CÔNG SỨC DÀNH CHO MIỀN CHÂU THỔ 

Cùng nhau ghi nhớ (ở đây lược ghi, vẫn còn nhiều vị nữa, sẽ đưa lên). 

1/ NGUYỄN HỮU CẢNH (1650 – 1700), sanh quán tại QUẢNG BÌNH. 

Thân phụ của ông là danh tướng Nguyễn Hữu Dật sanh quán ở Gia Miêu thuộc Thanh Hóa. 

Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh, theo lệnh của chúa Nguyễn Phước Châu, xác lập chủ quyền tại Đồng Nai, Gia Định, Sài Gòn vào năm 1698 - đây là "cột mốc" đầu tiên trong tiến trình xác lập chủ quyền toàn vùng.

2/ NGUYỄN CƯ TRINH (1716-1767), sanh quán tại THỪA THIÊN. 

Ông là người hoàn tất xác lập chủ quyền toàn miền châu thổ Đồng Nai - Cửu Long, vào năm 1757-1758. 

3/ VÕ TRƯỜNG TOẢN (chưa rõ năm sanh - mất vào năm 1792), sanh quán tại THỪA THIÊN hoặc GIA ĐỊNH.  

Ông được xem là bậc thầy, "danh sư", trong nền giáo dục của toàn miền châu thổ Đồng Nai - Cửu Long. 

4/ TRƯƠNG TẤN BỬU (1752 – 1827), sanh quán tại VĨNH LONG (nơi sanh của ông nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

Ông từng lãnh chức Phó Tổng trấn Gia Định Thành. 

Theo lệnh của của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, ông cùng với Thoại Ngọc Hầu tổ chức việc đào kinh Vĩnh Tế. 

5/ THOẠI NGỌC HẦU (1761–1829), tên thật là NGUYỄN VĂN THOẠI, sanh quán tại QUẢNG NAM (nơi sanh của ông nay thuộc Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). 

Ông là người lưu danh với các công trình nơi châu thổ, như:

- Kinh Thoại Hà: khởi đào vào năm 1818, dài hơn 30 km, nối Long Xuyên với Rạch Giá. 

- Kinh Vĩnh Tế: đào theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, dài hơn 87 km, với hàng chục ngàn nhơn công thực hiện.

6/ LÊ VĂN DUYỆT (1763 hoặc 1764 - 1832), sanh quán tại ĐỊNH TƯỜNG (nay là tỉnh Tiền Giang). 

Ông nội của ngài Lê Văn Duyệt là Lê Văn Hiếu sanh quán tại Quảng Ngãi, đưa gia đình vô Nam định cư (hiện nay còn ngôi mộ nội tổ tại Cái Bè, Tiền Giang). 

Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn Gia Định Thành (hai lần), cai quản và đưa ra các chính sách kinh tế - xã hội cho toàn miền châu thổ phương Nam. 

7/ PHAN THANH GIẢN (1796–1867), sanh quán tại VĨNH LONG (nơi sanh của ông nay thuộc Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Thân phụ của ngài Phan Thanh Giản là Phan Thanh Ngạn sanh quán tại Bình Định. 

Phan Thanh Giản là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ; là người phụ trách việc biên soạn bộ "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" - đây là bộ Quốc sử đồ sộ, lớn nhứt thời Nguyễn gồm 53 cuốn. 

8/ NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800-1873), tên gốc là NGUYỄN VĂN CHƯƠNG, sanh quán tại THỪA THIÊN.

Nguyễn Tri Phương từng là Đông các Đại học sĩ tại kinh đô Phú Xuân; lãnh chức Khâm sai đại thần của các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên; Kinh lược sứ của Nam Kỳ lục tỉnh. 

9/ TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH (1820 – 1864), sanh quán tại QUẢNG NGÃI. Ông là dượng rể họ của vua Tự Đức (vợ ông, bà Trần Thị Sanh, là dì họ của vua Tự Đức; bà Sanh đảm trách "hậu cần" trong cuộc kháng Pháp của chồng), ông nổi tiếng trong vai trò "Bình Tây đại nguyên soái". 

10/ NGUYỄN TRUNG TRỰC (1838– 1868), tên thật là NGUYỄN VĂN LỊCH, sanh quán tại GIA ĐỊNH (nơi sanh của ông nay thuộc Bến Lức, tỉnh Long An).

Ông nội của ngài Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo sanh quán tại Bình Định, đưa cả gia đình vô Nam định cư. 

Ông được người dân tôn làm "Thượng đẳng đại thần", với khí phách hiển linh của ông trong kháng chiến chống thực dân Pháp. 

11/ TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1898), tên thật là TRƯƠNG CHÁNH KÝ, sanh quán VĨNH LONG (nơi sanh của ông nay thuộc Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). 

Ông là một học giả đáng kính nể với tầm hiểu biết "thiên kinh địa nghĩa", làm chủ biên tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ("Gia Định báo"). Dù nổi tiếng, ông vẫn sống giản dị, và không nhập quốc tịch Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét