Tóm tắt nhưng nội dung chính của cuộc gặp gỡ giữ tổng thống Biden và chủ tịch Tô Lâm vào 14 giờ ngày 25/9 giờ Mỹ.
Tổng hợp bởi Mai Quốc Việt.
Tổng thống Biden nói: “Thưa ngài chủ tịch, như tôi đã nêu trong bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, không có điều gì vượt quá năng lực của chúng ta khi chúng ta làm việc cùng nhau”.
Chủ tịch Tô Lâm nói: “Chúng tôi rất trân trọng tình cảm của ngài dành cho Việt Nam và những đóng góp mang tính lịch sử của ngài đã đóng vai trò then chốt trong việc nâng tầm quan hệ song phương của chúng ta lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện như ngày nay”, theo công bố của Nhà Trắng.
Một quan chức trong chính quyền Biden mô tả với nhóm phóng viên chọn lọc rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Việt, Mỹ “rất nồng ấm”, cho thấy quan hệ hai nước đã biến chuyển thực sự và hiện đang hoạt động “hết công suất”.
Tường thuật về cuộc gặp, báo Tin Tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn lời ông Lâm nói với ông Biden rằng Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Chủ tịch Tô Lâm nói rằng Việt Nam coi Hoa Kỳ là “đối tác có tầm quan trọng chiến lược”, và bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, lâu dài vì lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước, vẫn theo báo Tin Tức.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Biden khẳng định Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN; ủng hộ Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong khu vực và quốc tế.
Tổng thống Biden chia sẻ mong muốn phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, chống biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề chung của khu vực và quốc tế.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một chuyên gia quan sát quan hệ Việt-Mỹ trong nhiều năm, nêu nhận định với VOA sau cuộc gặp: “Ông Biden lặp lại những nền tảng căn bản nhưng lâu dài: hai bên đồng thuận về vấn đề an ninh hàng hải, an ninh mạng, ý định lâu dài của Hoa Kỳ đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam”.
Khi được hỏi liệu hai ông có thảo luận về vấn đề Trung Quốc hay không, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với nhóm phóng viên chọn lọc rằng: “Hai nhà lãnh đạo thừa nhận thực tế là Việt Nam nằm trong một khu vực phức tạp”. Quan chức Mỹ cho biết có sự công nhận rằng Hà Nội “phải rất thận trọng và có chiến lược trong cách tiếp cận khu vực” và Hoa Kỳ là một đối tác chiến lược đó, theo Reuters.
Khi được hỏi liệu tình trạng kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam có được thảo luận hay không, quan chức cấp cao của Mỹ trả lời các phóng viên: “Họ đã thảo luận rộng rãi về hợp tác kinh tế và các kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam”, theo Reuters.
Việt Nam từ lâu lập luận rằng Mỹ nên công nhận nền kinh tế thị trường của nước này do những cải cách kinh tế gần đây và việc vẫn cứ gắn nhãn như vậy là không tốt cho mối quan hệ song phương ngày càng chặt chẽ.
Tuy nhiên, Murray Hiebert, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nhận xét rằng ông Biden không có đặc quyền để mà nhượng bộ cho yêu cầu của Hà Nội, vì việc xác định thế nào là kinh tế thị trường phải tuân theo tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ, theo Reuters.
Ông Biden nhắc đến chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện: "Tại Hà Nội năm ngoái, tôi gặp giới lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng cấp quan hệ đối tác lên mức cao nhất. Việc Mỹ và Việt Nam ngày nay là bạn bè, đối tác là minh chứng cho sự bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải. Điều đó cũng chứng tỏ rằng đằng sau sự kinh hoàng của chiến tranh vẫn có con đường để tiến về phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn”.
Bình luận về mục đích của ông Tô Lâm khi thực hiện cuộc gặp với ông Biden, ông Lê Minh Nguyên đưa ra nhận xét rằng “nhu cầu của ông Tô Lâm là để củng cố vị trí của ông ấy vì điều này quan trọng đối với ông ta, do đó ông phải làm sao cho người dân trong nước thấy là ông có sự năng động về ngoại giao và sự thăng bằng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như giữa Nga và Hoa Kỳ”.
Hãng tin Reuters hôm 25/9, dẫn lời ông Alexander Vuving, một chuyên gia về Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Inouye có trụ sở tại Hawaii, đánh giá rằng cuộc gặp giữa ông Biden và ông Lâm “rất quan trọng” trong việc giúp ông Lâm củng cố quyền lực sau khi được bầu là nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam vào tháng 8.
Ông Vuving nói rằng về mặt địa chính trị, cuộc họp này báo hiệu vị thế cân bằng của Việt Nam giữa các cường quốc, xét đến chuyến thăm Trung Quốc gần đây của ông Lâm, các cuộc gặp với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, và tầm quan trọng của mối quan hệ với Hà Nội trong chính sách Châu Á của Hoa Kỳ.
Theo quan sát của VOA, không có thông tin cho thấy ông Biden đã nói về vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp với ông Tô Lâm. Trước cuộc gặp của hai ông, các tổ chức như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) và giới lập pháp Mỹ đã kêu gọi ông Biden hãy nêu lên vấn đề đó.
Nhà Trắng chưa phản hồi sau khi VOA đề nghị bình luận sau cuộc gặp Biden-Tô Lâm. Bản chép lời phát biểu mở đầu cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo hôm 25/9 được Nhà Trắng công bố không có nội dung gì về vấn đề nhân quyền hay thả tù nhân chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét