Lúc nhỏ tôi không chịu chào khách, chính xác là chỉ chào và nói chuyện với một vài người mà tôi thích còn lại thì không. Mỗi khi có khách tới nhà – mà gia đình tôi thường xuyên tiếp khách, tôi im lặng sang phòng khác, lên mái nhà hoặc xuống vườn. Với tôi thì điều đó rất bình thường, sau này lớn lên tôi mới biết trẻ con nhà khác phải khoanh tay chào, phải đứng yên để người lớn giới thiệu với khách, kể cả khi đứa trẻ không có mặt trong phòng khách, họ có thể gọi nó ra để ‘trình diện’, bắt nó hát hoặc ngâm thơ trước mặt khách bất kể nó có muốn hay không.
Lần đó, một sự kiện mà tới giờ tôi vẫn nhớ như in, tôi đang ngồi làm bản đố chữ trong phòng bác tôi thì mấy ông khách lạ oang oang từ ở cầu thang, họ vồn vã như là trước đây thân lắm, tôi đứng lên ra khỏi phòng, họ đâu để ý tới tôi, có thể họ còn không nhìn thấy tôi, họ vẫn tiếp tục nói rất to, thế nhưng chính bác giữ tôi lại, giới thiệu tôi là con bố tôi mẹ tôi… những người kia ồ à, rồi giống hệt những người lớn khác họ nói, cháu xinh quá v.v… Tất nhiên là tôi im lặng, sau khi họ ngừng nói thì tôi đi ra hành lang, bác tôi kéo tai tôi và nói: “sao không chào lên một tiếng?” rồi quay vào tiếp khách.
Tôi không khóc nhưng kể với mẹ tôi việc bị kéo tai, mẹ tôi có lẽ sốc, mẹ đã nói chuyện căng thẳng với bác, bác phân bua rằng bác không làm tôi đau chút nào, rằng bác chỉ muốn nhắc tôi phải chào, rằng tôi được tự do quá, rằng trẻ con thông minh cũng cần phải được uốn nắn chứ không phải trăng tới rằm trăng tròn… còn mẹ tôi yêu cầu: có bất kỳ việc gì liên quan tới tôi thì phải nói cho mẹ tôi biết, những người nóng tính không thể làm việc với trẻ con.
Sau sự kiện đó, tôi vẫn không muốn chào, nhưng tôi đã có một kinh nghiệm, tôi vào phòng riêng ngay khi chỉ thoáng nghe có tiếng người lạ, và việc đó làm giác quan trở nên nhạy bén tới mức khách còn chưa tới cửa tôi đã biết.
Rồi một lần và sau đó vài lần nữa, mẹ kể cho tôi nghe về nhiệm vụ của linh hồn, mẹ nói tôi đã đầu thai làm con bố mẹ ở một nơi rất xa, nếu có điều kiện là sẽ dẫn tôi thăm vùng đó, tới khi sắp sinh tôi, không hiểu vì lý do gì mà bố mẹ quyết định sang Việt Nam... Tôi lớn lên trong gia đình làm chính trị nên việc giao tiếp đông người là không thể tránh được. Vì linh hồn cần học việc giao tiếp nên tôi ở đây, nếu không thì tôi đã ở nơi nào đó khác.
Con chào ai đó không phải là “mở trái tim mình” mà chỉ là tín hiệu của loài người khi người này nhìn thấy người khác. Con cứ ở trong rừng, trên mây trong thế giới con muốn, nhưng cùng lúc con phải sống với người khác trong thế giới chung nên cần hiểu các quy ước, điều này giống như cách đánh móc ơ hay viết chữ a. Mẹ ủng hộ con sáng tạo quy ước mới, nhưng trong khi chưa sáng tạo ra thì tạm dùng những thứ sẵn có [chả là trước đây tôi thích chữ ơ có 2 móc cân đối như râu bọ rùa nên tôi sáng tác như vậy, mẹ tôi vẫn đọc, chỉ khi đi học tôi phải viết như mẫu của cô giáo].
Nhưng tôi khó chịu quy ước, và mẹ tôi lại dẫn dụ để tôi hiểu quy ước là đương nhiên. Tên của con cũng là một quy ước, bố mẹ bàn nhau một tên con gái và một tên con trai từ lúc chưa sinh con, khi đi khai sinh đưa tên đó cho người ta ghi giấy vậy là từ quy ước giữa bố mẹ thành quy ước với chính quyền. Bất cứ khi nào có hơn 1 là có quy ước – việc này làm tôi nghĩ nhiều lắm, nghĩ đặc cả não, nghĩ mãi cho tới khi tôi nhận ra là ngay cả trong một trí óc cũng không phải một.
Hồi đó, mẹ cho tôi chép mấy câu chào và câu trả lời ra giấy, để tôi thấy là rất đơn giản. Nhờ đó, tôi biết thêm là, có khi câu hỏi “Ăn cơm chưa?”, “Đi đâu đấy?” lại là câu chào chứ không phải câu hỏi.
Mẹ tôi không xử lý tôi, không ép buộc tôi, không so bì tôi với bọn khoanh tay mà mở ra cho tôi những vấn đề để tôi tự do suy nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét