BÃO LŨ NĂM GIÁP THÌN 2024 Ở MIỀN TRUNG SẼ NHƯ THẾ NÀO ?
- Nguyễn Hoàng Ngân -
Điều trùng hợp là kinh nghiệm mang tính tư duy tổng hợp "Đông phương" và tư duy phân tích theo cách "Tây phương" đều có chung nhận định năm 2024 bão lũ ở miền Trung Việt Nam cao hơn mức bình thường.
Trong 180 năm qua, các năm Giáp Thìn 1844, 1904, 1964 đều có bão lũ lớn ở miền Trung gây chết nhiều ngàn người mỗi lần.
Liệu có "sự bất quá tam" trong năm 2024 ?
Với 3 lần thì dữ liệu thống kê chưa đủ lớn để có ý nghĩa tin cậy cao trong thống kê toán học. Nhưng, trong 180 năm qua không thể tìm được một năm nào trong vòng hoa giáp 60 năm mà những năm đó đều có lũ lớn ở miền Trung.
Vòng hoa giáp 60 năm bắt đầu từ năm GIÁP TÝ tới năm QUÝ HỢI, cứ thế lặp đi lặp lại.
Trong tự nhiên, trong vũ trụ có khá nhiều sự kiện diễn ra mang tính chất chu kỳ.
Hoạt động của Mặt Trời có chu kỳ 11 năm, cứ 11 năm thì Mặt Trời có một đợt phun trào mạnh, từ trường trên Mặt Trời thay đổi làm cực Bắc đảo thành cực Nam, năng lượng của nó truyền tới trái đất tăng lên. Điều đó ít nhiều có ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu.
Mặt Trăng quay quanh Trái Đất cũng có chu kỳ và nó gây ảnh hưởng rõ rệt, như thủy triều, nâng hạ lượng nước biển khổng lồ lên xuống một vài mét trong ngày.
Nhiệt độ nước biển ở giữa Thái Bình Dương cũng có thay đổi mang chính chu kỳ. Nhiệt độ bình thường gọi là TRUNG TÍNH. Khi nó tăng hơn bình thường gần 2 độ C gọi là El Nino. Khi nó giảm hơn bình thường khoảng 2 độ C gọi là La Nina.
Tính trung bình, mỗi chu kỳ khoảng 4 năm.
Khi El Nino và La Nina xảy ra, người ta tính toán được, biểu diễn bằng mô hình toán học cho thấy nó tác động đến mưa lũ ở Việt Nam như thế nào.
Các hành tinh của Thái Dương Hệ quay quanh Mặt Trời cũng có chu kỳ.
Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời mất 365 ngày (tức 1 năm Trái Đất)
Trong 60 năm của một vòng hoa giáp thì Trái Đất và các hành tinh gần trái đất quay quanh mặt trời số vòng như sau:
+ Trái Đất : 60 vòng chẵn.
+ Sao Thủy: 249,12 vòng ~ 249 vòng
+ Sao Kim: 97,56 vòng
+ Sao Hỏa 38,898 vòng ~ 39 vòng
+ Sao Mộc: 5,05 vòng ~ 5 vòng
+ Sao Thổ: 2,036 vòng ~ 2 vòng
+ Và, Mặt Trăng quay quanh Trái Đất 802,139 vòng ~ 802 vòng.
Như vậy, trừ Sao Kim, các hành tinh khác ở trên kể cả Mặt Trăng sau 60 năm đều trở về một vị trí tương đối gần giống nhau trong Thái Dương Hệ.
Tương tác hấp dẫn giữa chúng có gây tác động lên thời tiết của Trái Đất. Với Mặt Trăng thì tác động lên thời tiết Trái Đất rất mạnh. Các hành tinh còn lại tác động rất rất nhỏ và chưa thấy nghiên cứu nào đề cập.
Lưu ý rằng sau 60 năm số vòng quay của các hành tinh không tròn số, nên khi nhân đôi nhân ba thành 120 năm và 180 năm thì vị trí tương đối giữa Trái Đất và các hành tinh sai lệch dần.
Chỉ có Sao Mộc (5,05 vòng) và Sao Thổ (2,036 vòng) là giữ được "chu kỳ 60 năm" lâu nhất, và chúng tạo thành hiện tượng "Hành tinh đôi Đông chí". Cứ mỗi 60 năm, vào ngày Đông chí 21/12, ta có thể thấy hai hành tinh đó nằm sát nhau, gần trùng nhau trên bầu trời.
Như vậy, chu kỳ 60 năm hoa giáp nó cũng có một chút trùng hợp, một chút "lý luận", nhưng còn mơ hồ, chưa diễn giải được rõ ràng bằng phương trình toán học.
Nhưng dự báo về La Nina xảy ra vào cuối 2024 gây bão lụt nhiều hơn cho miền Trung của Việt Nam thì có cơ sở khoa học, diễn tả tính toán được trên cơ sở toán học.
Người ta đo nhiệt độ nước biển ở Thái Bình Dương hằng ngày, vẽ thành biểu đồ trong mấy chục năm qua. Dựa trên biểu đồ, dự đoán được đường xu hướng của thay đổi nhiệt độ. Cũng giống như mấy anh chơi chứng khoán, nhìn biểu đồ nhảy nhót rồi xuống tiền. Nhưng tự nhiên nó không chơi gian như người, nên biểu đồ của tự nhiên tin cậy hơn.
Đường xu hướng của biểu đồ cho thấy nước biển một số vùng ở Thái Bình Dương đang lạnh đi, có khả năng chuyển pha sang La Nina từ tháng 9 đến cuối năm, xác suất gần 80%.
Sự nhảy nhót của biểu đồ cũng cho thấy sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina rất nhanh. Sự chuyển đổi nhanh chóng từ nóng sang lạnh sẽ gây ra thời tiết cực đoan.
Thống kê biểu đồ trong nhiều năm cho thấy, nếu sự chuyển pha đột ngột với pha trung tính ngắn và thời điểm chuyển pha vào các tháng cuối năm (10,11,12) thì vùng ảnh hưởng bão lụt nặng là MIỀN TRUNG VIỆT NAM.
Nếu sự chuyển pha như vậy xảy ra thì không chỉ với THỐNG KÊ, mà với mô hình tính toán vật lý, toán học cũng cho ra kết quả miền Trung Việt Nam bão lụt tăng hơn mức bình thường nhiều năm (với xác suất hơn 70% theo số liệu hiện tại).
Vậy thì, bão lũ do Yagi mới chỉ là "nháp".
Cả "ĐÔNG TÂY Y KẾT HỢP" cho thấy rằng bão lũ ở miền Trung đang chực chờ phía trước, với xác suất cao.
Do vậy, miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, phải có một sự phòng bị cẩn thận trong 3 tháng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét