Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

FB Người Kể Chuyện: LAN MAN VỀ KÝ ỨC - NHỮNG MẨU CHUYỆN KHÔNG ĐẦU KHÔNG CUỐI…

LAN MAN VỀ KÝ ỨC - NHỮNG MẨU CHUYỆN KHÔNG ĐẦU KHÔNG CUỐI…

Anh bạn gọi điện rủ anh ơi về ghé qua em làm ly rượu sừng tê anh em mình lên cung trăng với nhau một hôm nhỉ…rồi nó khoe cục sừng tê anh cho em vẫn còn đây, mài ra pha rượu uống.

Nhìn cái cục sừng đó tôi phì cười, nó bổ với cậu chứ với tớ thì nó như cái sừng trâu, như củi khô có mà bổ vào đầu thì có...

Nhớ lại, lâu lắm rồi một hôm có cậu em ngao du khắp 5 châu bốn biển về ghé tôi chơi, nó bảo em có cả ngà voi cả sừng tê xịn tay em cưa ở Nam Phi đây anh lấy bằng nào em cưa cho, tôi hỏi nó thế cái sừng tê để làm gì, nó bảo em thấy mấy bác đồn đại nó là thần dược đắt đỏ lắm nên nhặt ít về biếu anh em.

Tôi không nhịn được cười, với ai thì không dám chứ với cậu em này là chỗ thân thiết mới dám cười vậy. Hỏi nó bổ gì thì nó cũng chỉ cười nhăn nhở bảo em chả biết, nghe nói thế...

Cũng như nó tôi cũng chỉ nghe nói là bổ là đắt thôi, anh em liền bốc điện thoại triệu hồi một thằng bên giám định khoa học kỹ thuật, qua đây uống rượu sừng tê, đang rảnh nên thằng em qua ngay ôm theo một túi mực khô.

Vào nhà nó nướng mực và mở tủ lôi bia ra, tôi bảo ơ thằng Thịnh đang mài sừng tê giác pha rượu rồi sao lại uống bia mực?

Ờ thì cho nó uống rượu với sừng anh em mình bia mực bổ hơn...

Thằng Thịnh hì hục mài khá cầu kỳ trên một cái dụng cụ như cái đĩa nhưng sần nhám, tưới rượu lên và cầm cái sừng tê to đùng như củ khoai lang mài vòng tròn trên đó, một thứ nước như nước vo gạo đục lờ rõ dần, loay hoay pha rượu xong nó hý hửng mời anh em tôi uống, thằng em giám định cười che miệng, thôi bổ thì ông uống đi tôi uống bia quen rồi, uống sừng tê lại đi ỉa thì bỏ mẹ..

Bảo nó uống thì nó bảo anh biết rồi cứ trêu em, rồi nó bảo thằng Thịnh bỏ đi, uống gì ba cái vớ vẩn đó!! Ơ sừng tê tay tao cắt chứ không phải sừng trâu đâu!! Thì tao có bảo sừng trâu đâu, nhưng theo mày thì nó bổ cái gì???

Thịnh ú ớ ừ nhỉ tao cũng chỉ nghe nói thôi.

Ba anh em dẹp mẹ nó sừng tê với sừng nhức, uống bia mực cho lành.

….

Tầm năm 2001-2002 gì đó tôi cũng được anh em cho một đoạn sừng tê giác, nghe nói cũng hàng “xách tay” lậu mang về, tôi cũng hý hửng gọi thằng em này hỏi, nó chỉ cười bảo vứt mẹ nó đi anh ạ, tê với tiếc gì, tính chất lý hoá thì nó như cái sừng trâu chứ bổ béo mẹ gì đâu, thấy nó hiếm thì mấy ông ba tàu cứ bốc phét lên công dụng nó bổ, nó tốt này kia nọ khác để chăn dắt mấy ông trọc phú lắm tiền thôi..

Tôi thì người trần mắt thịt nên tôi tin thằng em tôi nó nói, vì nó vừa có trình độ cao, lại làm việc ở nơi có đủ mọi máy móc hiện đại phân tích các thứ..thậm chí tôi cho nó cái cục sừng đó nó cũng chả thèm lấy.

Giờ thì vụ sừng tê này lắng lắng tý rồi, nay lại gặp cậu em này khơi ra tôi lại buồn cười quá.

Thôi thì không bổ âm bổ dương, bổ giường bổ chõng thì cũng bổ vào đầu vào tai, đổ mẹ đi, uống bia bổ hơn em ạ..

Bà con mình cứ vậy đó, bỏ ra cả mớ tiền mua về hì hục mài uống chỉ vì Nghe nói nó là thuốc bổ chữa bệnh, mấy anh ba phệ là giỏi vụ này lắm, cứ đồn thổi rồi quăng lựu đạn bà con ta trong đó có tôi là cứ mắt nhắm mắt mở chụp luôn chứ em tôi nó cho tôi xem bảng phân tích sớm thì chắc tôi chả dại nhắm mắt nhắm mũi uống vài ly rượu pha sừng tê rồi, cay thật..

Từ hồi cuối 80 đầu 90 tôi còn lang thang rừng rú rất nhiều lần ở Thái, Lào, Miến Điện…tôi đã gặp những đoàn người đi gom sừng trâu trắng (về làm giả sừng tê) sừng tê giác xịn hẳn hoi, những năm 84-85 tôi đã có lần thấy tận mắt người Miến Điện xẻ thịt tê giác, nhưng tôi nhớ lúc đó con tê giác không to như những con tê giác ở châu Phi mà tôi chỉ được xem trên tivi, mãi sau này cũng có lần được nhìn tận mắt. 

Tê giác Miến Điện nhìn có vẻ bé hơn, sừng cũng nhỏ hơn và người tàu mua cả bộ xương nó, cái sừng nó cũng bé hơn sừng tê giác châu Phi, và có giá trị với người tàu hơn nếu nó còn dính với cái xương đầu, một cách minh chứng là sừng xịn chứ không phải sừng trâu trắng Miến Điện.

Nhưng sừng trâu trắng cũng không phải loại nào cũng đắt, tôi thấy họ chỉ săn lùng những con trâu trắng có sừng nhỏ tầm cỡ bắp tay người và phải tròn, ban đầu không rõ sao lại vậy, tới lúc cầm cái sừng tê giác trên tay và cố tư duy bằng cái củ chuối trên hai vai tôi thì tôi mới vỡ lẽ, cái sừng tê nó tròn và ngắn, đặc. Còn sừng trâu già thì nó có hình hơi vuông kiểu chữ nhật và rỗng ruột, chỉ lấy được chút đặc phía trên, còn sừng con trâu nào mà tròn thì giá trị hơn nhất là khi cưa ra nó đặc, vì đơn giản là nó giống sừng tê giác nên có thể lửa được là sừng tê, vậy thôi.

Người Trung Quốc, Hồng Công, Đài, Thái..đã cô ty lưa nhau chán rồi hạ màn, xếp vở rồi thì mấy anh trọc phú Việt Nam bắt đầu có xiền, và các lão làng cô ty lưa ba phệ lại bắt đầu bổn cũ soạn lại, đầu tiên là rỉ tai với chiến thuật của tay trùm phat xit Goebbels - Nói dóc, nói dóc, nói dóc..cho tới khi nó thành chân lý- được các anh ba phệ áp dụng triệt để, đầu tiên tung cho bà con quả tin công dụng “thần kỳ” của các thứ các anh ấy muốn bán đã, rồi sau đó nhá hàng, và lượm lúa.

Của đáng tội, tê và sừng thì giờ nằm trong sách đỏ, thường thì những loài hổ báo cáo chồn gọi là hàng cấm thì chỉ nằm trong sách đỏ và menu nhà hàng, nhưng tê giác thì ở ta tiệt hẳn rồi không có trong menu nhưng vẫn còn trong sách đỏ vậy nên thò ra là tù mọc lông, buôn bán thì thụt như buôn bạc giả chứ làm gì có chuyện công khai rồi đi nhờ viện giám định kỹ thuật hình sự quân đội giám định hộ sừng tê hay sừng trâu, mà tê hay trâu thì nó cũng chỉ là cái sừng thôi, sừng tê khác gì sừng trâu có đính kim cương như răng mấy cô đẹp đâu mà quý mới báu, nó cũng có vài chất khác với sừng trâu nhưng chả bổ béo gì đâu..khổ lắm, hơn củi khô tý thôi.

Mấy anh trọc phú thì thừa tiền chỉ thiếu kiến thức sừng tý thôi nên múc luôn khỏi cần nghĩ làm gì cho mệt nghe nói tốt là tốt, với họ thì phàm cái gì nhiều tiền ắt nó tốt, đơn giản vậy thôi.

Thời buổi kim tiền phú quý sinh lễ nghĩa, dân tàu nghe theo thầy phong thuỷ phán làm ban thờ, đồ thờ bằng gỗ trắc đỏ hay còn gọi là trắc thối thì vượng phát 6868 nên mới có làn sóng săn lùng gỗ trắc khắp Đông Nam Á không riêng Việt Nam, cao điểm lên tới vài triệu đồng một ký loại tốt, nhiều người bỏ tiền thu mua buôn bán nhưng cũng chẳng hiểu tàu mua để làm gì cả, đất nước tỷ dân hay trăm triệu dân thì trọc phú nào chả giống trọc phú nào, có khác nhau đâu.

Ngày xưa tôi thấy rất nhiều toán Khách ( người Tàu) cả chục người mang vác, chủ đoàn thì ngồi trên ngựa, trèo đèo lội suối thì còn ngồi kiệu cho dân phu bản địa khiêng đi khắp nơi Cam, Lào, Thái, Miến…thu mua đủ thứ, từ răng hổ, ngà voi, răng cá sấu Miến, sừng trâu, sừng tê, răng gấu móng gấu..tới sọ người và xương bánh chè, tay người, rồi vàng bạc, đồ cổ đá quý, trầm hương, đao kiếm ống nhòm bản đồ…túm lại thượng vàng hạ cám các anh ba phệ không tha món nào, thích là nhích hết.

Năm 84 khi tôi lang thang qua Miến Điện, các bà các cô mặt bôi phấn trắng cho da khỏi thâm sạm nám lấp ló trên nhà sàn thò ra đủ thứ gạ bán vì họ tưởng bọn tôi đi thu mua ba thứ đó, chúng tôi cũng sà vào ngắm nghía sờ nắn mặc cả như thật những món đồ đó, rồi tò mò tọc mạch hỏi han cho biết thôi chứ có phải việc của mình đâu, nhưng cũng biết nhiều cái hay bà con ạ.

Như cái vụ sừng dinh chữa rắn cắn, hẳn nhiều người biết vì nhiều đồn thổi nghe nói sừng dinh chữa rắn cắn, sừng thì chắc có người thấy tận mắt rồi nhưng tôi tin chắc rằng hỏi con dinh là con gì thì chắc khá nhiều người ú ớ, tôi cũng vậy thôi.

Tôi biết cái sừng đó từ khi chưa có mạng internet và youtube ở Việt Nam, và cũng nghe nhiều người nói, không riêng ở Việt Nam ta đâu ạ, mà cả Campuchia và Thái Lan, Lào, Miến Điện, Trung Quốc họ biết cái sừng đó, ở Cam ở Thái, ở Miến..tôi từng cầm nó trên tay và ngắm nghía rồi đưa lên mũi ngửi..

Người Việt với người Cam thì nói nó là con giống con rắn, nhưng ngắn và to hơn do nó ăn rắn độc nên sừng nó kháng nọc rắn, người Cam thì cho nó là con vật sống vừa trên cạn vừa dưới nước kiểu tựa tựa rái cá, người Thái thì lại cho là nó là một con sống dưới nước kiểu như con thuồng luồng…, mỗi nơi gọi nó theo tên riêng tôi quên mất rồi, nhưng còn cái sừng đó thì tôi nhớ.

Ở Việt Nam thì tôi chỉ nhìn thấy qua mạng chứ chưa được cầm nó tận tay nhưng hình dáng thì y những cái sừng tôi từng được cầm trên tay xem.

Một cô bạn người Miến Điện cho tôi biết rằng nó đơn giản chỉ là cái sừng dê.

Ai cũng biết là Myanmar thì có tới 135 dân tộc, nhưng số đông áp đảo thì có đâu 11 hay 12 dân tộc chính, trong đó có dân tộc Môn, người Môn chính là người dân tộc Khmer, khi tôi qua Mong hsat họ sống ở đó khá đông, dọc các sườn núi hiểm trở tới vùng đồng bằng, cũng như người Khmer ở Cam, họ cũng nhiều bí ẩn riêng trong đó có sử dụng “bùa, chú” và họ có nhiều phương cách chữa bệnh khá lạ lùng và bí ẩn trong đó có chữa rắn cắn bằng sừng rưn, tôi không biết chữ khmer Môn cổ chỉ nghe phát âm là rưn hoặc rưng…là cách họ gọi con dê.

Cái sừng này thì cũng giống như nhiều lời đồn đại ngà voi trị “tà ma”, răng hổ kỵ chó, nanh lợn rừng kỵ lửa..vv, thế nhưng theo những người ở rừng, hoặc những thầy thuốc hay thầy pháp thì chẳng phải cái răng hay cái ngà, sừng, nanh nào cũng có tính năng vậy, mà cái họ cần, tìm và đánh giá cao nó lại là thứ không phải ta săn bắn được rồi cưa ngà, cắt sừng, bẻ răng…, như ngà voi trị “tà ma” thì người Lào tôi nhớ mang máng họ gọi là phằng tay thì phải, có nghĩa là ngà của những con voi đực già chết, loài voi khi biết mình sắp chết thường tách đàn, tìm nơi vắng vẻ và tự đổ gục xuống chết một mình, và chim chóc cùng các loài thú ăn thịt và xác thối sẽ dọn dẹp cái xác khổng lồ đó, có con thì nằm nghiêng có con nằm ngửa, có con thì nằm phủ phục, và người ta chọn con voi nằm phủ phục để lấy cặp ngà, với điều kiện là hình dáng ngà phải đạt một số yêu cầu nào đó như dài bao nhiêu, cong và chĩa sang hai bên. Ở Lào những thợ săn voi hay nuôi hoặc mua bán voi kỳ cựu họ có những cách xem tướng từng con voi, như thợ mua trâu ở ta xưa xem xoáy xem sừng biết tính nết con trâu ra sao vậy, và họ biết con voi ngà thế nào, khi chết nằm thế nào thì mới có “tính linh” chứ không phải con nào cũng như con nào, và nó phải chết già tự nhiên chứ không phải bòm nó chết rồi đè ra cưa ngà nó đem bán rồi bảo nó trừ “tà ma”… bà con ạ, con voi khi chết trong rừng nó quỳ phục xuống và khi thành bộ xương khô rồi cái ngà vẫn vểnh chĩa lên chứ không cắm xuống đất người ta bảo vậy nó mới có giá trị.

Hổ cũng vậy, răng hổ thợ săn Lào có cả rổ toàn cái đẹp nhưng cái mà họ đeo trên cổ hay cho con trai trong nhà đeo lại là của những con hổ chết già trong tự nhiên chứ không phải bị bắn, có nơi phường săn gặp bộ xương hổ già họ còn đắp mộ cho nó, họ làm vậy không phải vì nể nó hay tri ân gì phường giang hồ đao búa đó, mà họ sợ “tính linh” của loài đó, có người đủ “tinh” đủ “vía” đủ dũng thì họ vẫn đè cái sọ khô của ông ba mươi ra vặt răng nanh đeo cổ như thường thôi, tôi thì ú ớ chả đủ gì nhưng cũng từng vặt một ông ở thung lũng Abal, Campuchia, đang chui rúc thì thấy bộ xương hổ to đùng cái đen cái vàng, nằm phủ phục ngay gộp đá trên khe nước, giật cả mình nhưng  thấy bộ nhá anh ấy đẹp quá, rút dao găm đục xương vặt răng nanh bỏ túi chơi, thỉnh thoảng lôi ra ngắm, rồi sau cũng cho anh em làm kỷ niệm, chắc anh giang hồ đao búa đấy cũng ngỏm lâu rồi xương chân mất hết chỉ còn xương sống sương sườn với cái sọ to hơn cái nón cối.

Tôi nghe nói những cái răng đó trừ tà hay không thì nói thật tôi không biết rõ, nhưng chó ngửi thấy là lảng đi là có.

Còn nanh lợn rừng kỵ lửa cũng vậy, cái này cũng là hàng đâm cây, hoặc phủ mộ, đó là lợn rừng khi già những con dữ và kinh khủng thì thường hay tự lao đầu vào thân cây chết cắm răng lại, chứ không phải loại trẻ trâu đuổi nhau đua xe mất thắng không kịp ôm cua rồi lợi ơi ở lại răng đi nhé, những loại răng bẻ cua mất lái đó tôi có gặp rồi, và cũng gặp nhiều anh lợn du thủ du thực răng bên còn bên mất như chả chìa rồi, mấy thứ đó chả có giá trị gì cả.

Cái nanh lợn đâm cây nó có khả năng kỵ lửa thì tôi thấy cũng khá băn khoăn vì tôi được hai lần thấy cái răng và những dấu hiệu lạ quanh nó, tôi kể đây chỉ là phỏng đoán lại thôi, vì lúc vụ cháy xảy ra thì khá lâu trước đó và tôi không có mặt ở đó.

Đó là ngày tôi ở Nậm Thạ, Phong Sa Ly, Lào…có một lần tôi chỉ nhớ là hôm đó có tôi và anh Tuỵ ( vì anh Tuỵ giờ vẫn còn sống, anh sang Lào và vẫn nuôi hổ và vài loại động vật hoang dã khác) còn những anh khác tôi không nhớ rõ nữa, chúng tôi đi theo một cái sườn núi thoai thoải để sang Pác Ná, cái sườn núi lúc đó chỉ một màu đen vì tro than, trước đó khá lâu đã có một trận cháy rừng xảy ra ở đó.

Từ xa thì tôi thấy còn một lùm cây xanh xanh giữa khung cảnh rừng bị cháy thì bà con nào từng chứng kiến thì biết, cây lớn cây nhỏ chả cháy thì sau đó cũng chết trơ trụi hết, riêng cái chòm cây đó vẫn xanh bên trên ngọn, chứng tỏ nó vẫn sống.

Anh Tuỵ thì vốn sinh ra ở rừng núi nên anh là cả cuốn từ điển về rừng mà đọc mãi không hết, anh Tuỵ nói với tôi kia có nanh lợn rồi, lúc đó thì vừa mệt vừa nóng nên tôi cũng không hào hứng lắm.

Tới gần thì biết đó là cây bòn bòn, tôi chỉ biết người Lào gọi nó vậy còn ở ta là cây gọi là gì thì tôi không biết, nó là dạng cây cổ thụ, lá xanh thân to và có quả ăn được, ăn chơi thôi vì nó nhạt nhạt có vị hơi chát tý hình dáng và vị giống quả dùi đục vậy.

Anh Tuỵ vội đi tới gần rút cây dao găm cầm ở tay và bắt đầu ngắm nghía xung quanh cây, rồi anh reo lên đây rồi, tớ biết mà..

Anh hì hục cạy nhưng chiếc răng đã bị vỡ, cuối cùng thì anh bỏ không cạy nữa, rồi anh kể cho tôi nghe về loài lợn rừng khi già sắp chết nó bỏ nanh thế nào, còn tại sao nó bỏ thì anh cũng không biết, tôi cũng dò hỏi nhiều nhưng chẳng có câu trả lời nào mà tôi thấy hợp lý cả…

Không riêng anh Tuỵ nói mà có một vài người già ở rừng cũng nói với tôi như vậy, cây lợn nó bỏ răng khi cháy rừng xung quanh thì cháy hết nhưng riêng cây đó không cháy.

Một lần nữa thì ở một cái phum nào đó tôi chỉ nhớ là dưới chân núi Dangrek hướng Tumno đi lên, tôi có gặp cái phum đó, nó cháy gần hết, chỉ còn lại những đống đổ nát đen thui, nhưng ở ngay gần đầu phum thì còn thấy cái nhà sàn chỉ cháy một nửa còn lại một nửa nhỏ nhỏ, khi chúng tôi chui vào đó nghỉ thì một anh loay hoay nhìn ngó và anh phát hiện ra một chiếc nanh heo rất to và dài, nó được treo trên một cây cột và cây cột đó lẫn xung quanh không hề cháy, chiếc nanh dài gần 30cm nhìn rất đẹp, tôi còn nhớ lúc đó có một anh nào đó nói đùa là có khi nhờ cái nanh này mà bà hoả không hốt căn nhà này.

Ngay lúc đó thì tôi cũng không nghĩ gì nhiều lắm, chỉ cầm ngắm nghía cái nanh heo vừa to vừa dài trông như một cái ngà voi thu nhỏ vậy, nhưng sau này suy nghĩ lan man về những cái đó tôi cũng thấy nó có gì đó khá lạ lùng.

Tôi không có cái răng nào loại đó chứ nếu có thì tôi sẵn sàng đem ra thử xem sao ngay, vì có thể là do một lý do vô tình nào đó mà cái cây và nửa ngôi nhà có cái răng không cháy…

Thiên nhiên có nhiều điều lạ lùng lắm đôi khi chẳng biết giải thích sao chỉ biết nửa tin nửa ngờ nghe các cụ nói thôi.

Cho nên cái vụ lời đồn là nanh lợn bỏ nanh có thể kỵ lửa có bà con anh chị em nào biết xin khai hoá cho tôi thêm nhé.

Còn cái lời đồn về cái sừng dinh thì tôi cũng có may mắn được cầm vào nó, sờ và ngửi hít ngắm nghía kỹ lưỡng.

Loài dê núi này tôi từng thấy và cũng đã từng xơi thịt nó, có vẻ như có vài loài, to và lớn hơn con dê thường màu đen trông mặt giống con trâu, nhưng tai to và lộ hướng ra phía trước, có loại lông vàng nhưng bốn chân màu đen, có loại có sừng dài cong và nhọn hoắt, có loại lại không có sừng, nhưng loại mà người ta hay nhặt lấy dùng và gọi là sừng dinh thì của loại sơn dương nhỏ, trông khá giống con dê nhà và màu đen thui, cái đầu có lông bờm xờm xoè ra, mỗi con đực đều có sừng nhưng đa số nó nó thẳng và nhọn hoắt, có con chỉ có một cái sừng, không biết do chúng đánh nhau gãy mất hay va vào cây gãy, hay do đột biến nữa.

 Con đực đầu đàn nào mà có cái sừng cong như dấu hỏi, hoặc chỉ có một sừng và cong như dấu hỏi thì mới tốt, những người làm nghề thầy pháp cúng bái rất thích loại sừng đó.

Nguyên bản thì tôi thấy nó có một hai cái khấc, chứ không phải nhiều khấc và đều chằn chặn như một số sừng dinh trên mạng có, tôi đảm bảo là những sản phẩm đó là sản phẩm qua tạo tác của các pháp sư tung của tạo ra, vì sừng thật tôi thấy nó sần sùi nhám nhúa và không được đẹp như vậy, họ lấy máy mài những khấc trên sừng trông cho có vẻ bí hiểm, nguy hiểm rồi đưa vào máy ép nhiệt hơi, hoặc hơ lửa uốn thủ công cũng được, tôi thì tin những cái sừng ở rừng Miến Điện cách đây mấy chục năm tôi từng cầm trên tay hơn những cái sừng bây giờ trên ảnh mạng.

Có một điều nó khá lạ là các thầy bùa thầy pháp lại có vẻ e dè với mấy con be be này hơn là cú, rắn, rùa riếc gì đó, họ nói loài dê “tính linh” nó rất mạnh, mạnh hay không thì tôi không biết nhưng thấy nó xơi cả lá han lá sơn đến lá ngón hay cả hạt mã tiền là tôi nể chúng lắm rồi.

Thầy thuốc chữa rắn cắn bằng sừng dinh thì sau khi hơ nóng chiếc sừng bằng lửa và úp vào vết thương, nhiều người nói rằng nó áp vào dính chặt và hút nọc độc ra…, thực ra nhìn thế nhưng không phải vậy đâu bà con, vứt béng cái sừng đó đi và lấy cái lọ giác hơi hơ nóng úp vào nó cũng hút như vậy, có khi còn mạnh hơn, sau màn hút đó thì phải có màn bôi thuốc, đó mới là đòn quyết định.

Thuốc chữa rắn cắn thì nhiều, nhưng nhiều thầy hay dùng cây huê xà, một loại cây dây leo mọc nhiều nơi ở miền Trung và miền Tây ở ta, Cam Lào tôi cũng thấy, thân cây leo và sần sùi như rắn, đầu ngọn rất đặc trưng là qua đêm búp non chồi ra bao giờ cũng hai cái lá một y như lưỡi con rắn, cái búp cây quắn quéo rồi tới trưa nó mới nở ra thành rõ hình hai cái lá, đó là thứ tôi biết, còn nhiều thứ thuốc trộn vào như thần sa tán nhuyễn, nhựa thuốc lào..vv, tôi không biết rõ hết chỉ biết một hai vị như vậy thôi.

Các pháp sư tung của thổi phồng công năng của chiếc sừng, tôi thừa nhận là nó cũng có nhiều điểm đặc biệt nhưng không phải như thần dược tiên dược như các thầy nói đâu, họ cứ đồn thổi sừng dinh, nhưng hỏi con dinh là con gì thì mỗi người nói một nẻo theo tuỳ kênh tuỳ sóng họ bắt được, thôi thì cũng chỉ đành biết che miệng thôi.

Nay đầu tuần mới, lan man lảm nhảm chém gió với bà con tý cho vui thôi ạ, nếu có múa rìu qua mắt thợ xin bà con đại xá nhé, đọc cho vui thôi ạ.

Chúc tất cả bà con anh chị em tuần mới vui vẻ bình an nhé 🍻🍻🍻

Mai chắc tôi lai rai chuyện vài mối tình vắt vai của tôi ở Cam Lào Thái đổi gió tý cho vui bà con nhỉ 🤭

(Copy trên trang Người Kể Chuyện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét