Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Ngô Nhật Đăng: CHUYỆN NAM - BẮC KỲ

 CHUYỆN NAM - BẮC KỲ

Nhớ lại hồi có lệnh “cách ly” cúm Tàu, ghê khiếp thật nhưng chuyện tình người miền Tây trong hoạn nạn đáng nói hơn nhiều.

Thằng Vũ nước mưa gọi điện “Em vừa cự cho ông Tèo một trận”- Lại chuyện gì nữa đây- “Em bảo ông có cái mồm móm nên nhiều chuyện, ông nói gì mà để bà Ba Lém qua nhà xem tui còn sống hay đã chết”, ra vậy, tôi nói : “Thì nó lo cho mày, gọi điện không được thì lo, thế mới là anh em bạn bè”- “Nhưng chuyện nhỏ vầy mà ổng cũng nói với anh”- Nó cãi. Tôi lại bảo : “Tao cũng lo, lỡ mày dính cúm Tàu bị bắt đi cách ly thì sao?” Lại cãi : “Anh biết em từ đó tới giờ mà, làm sao em dính được chứ”. 

Thằng Tèo gọi nó không được nên gọi cho tôi, tôi nói nàng chạy qua nhà nó coi sao.

Tôi quen bọn nó cũng tình cờ, một hôm ngồi quán cafe, thằng Dương kể : “Hôm qua em ngồi dưới vườn, thấy bà con đứng chờ cả đêm ở vòi nước, mỗi người chỉ được lấy một can. Em ước mình có tiền, mua một cái xe lôi chở nước cho họ”. Thế là thằng Tèo nói luôn “Lấy xe của tao”. Hôm sau cả bọn xúm vào, góp tiền mua thùng, máy bơm, can nhựa vv…đi chở nước, thằng Tèo bỏ luôn không chở hàng nữa, tôi với nó nhong nhong cả ngày trên con ngựa sắt, có hôm nửa đêm mới về. Thằng Vũ cũng có xe lôi, chuyên chở nước mưa cho các quán cafe, thấy thế xin nhập bọn, rồi thằng Mập có cửa hàng vật liệu xây dựng, cũng góp luôn cái xe tải chuyên chở hàng cùng đi chở nước, rồi một thằng nhóc xe lôi chuyên chở loa đi phục vụ karaoke lưu động cũng xin theo luôn, thành nguyên một băng, vui như Tết (đến hồi cách ly, thằng Vũ cậy cục xin được ưu tiên chích vaccine để có giấy đi lại, mang xe lôi đi chở gạo, mỳ, rau vv…của mọi người góp mang cho những người trong vùng cách ly). Thằng Tèo bị trộm vào nhà lấy mất cái máy bơm, một người bạn fb của tôi trên Sài Gòn (chưa từng gặp mặt) biết chuyện lập tức mang máy bơm mới xuống, khuyến mại thêm một cái máy nổ Honda. Đó là chất Nam Kỳ.

Vũ nước mưa nói vậy thôi, chứ tôi biết cu cậu cũng khoái trong bụng, điện thoại mới hư có một ngày không liên lạc được mà đã có người lo cuống cả lên, phải sống thế nào thì bạn bè mới lo chứ. Hồi còn đóng quân ở biên giới, mỗi lần chợ phiên thường bắt gặp cảnh khi tan chợ đi một đoạn lại thấy một ông chồng say rượu nằm ngáy ngay bên vệ cỏ, người vợ một tay dắt ngựa, một tay cầm ô che nắng cho chồng mà trên mặt không hề có nét cam chịu nào chứ đừng nói là khó chịu. Có lần tôi tò mò hỏi thì người vợ trả lời : “Đàn ông đi chợ phải say rượu mới tốt vớ, không say thì là người xấu thôi, người không có bạn”- Tôi bừng tỉnh, chợ phiên là nơi mà hàng tuần đàn ông gặp gỡ bạn bè, mời nhau uống rượu, có nhiều bạn thì say là đúng rồi, đàn ông mà không có bạn thật chẳng ra gì.

Từ ngày chơi với tụi này, tôi thường phải đóng vai trọng tài phân xử, nhiều khi còn được hỏi ý kiến về chuyện này, chuyện kia, kiểu “việc này lão đại nói nên xử ra làm sao ?”, được gọi là “Lão đại”, “Đại ca”, một phần vì nhiều tuổi nhất, nhưng nhiều hơn là vì tôi đi nhiều, sống nhiều và trải đời, tôi vui vẻ chấp nhận vai trò ấy. Nam Kỳ nói là thật lòng, gọi đại ca vì công nhận mình đáng mặt đại ca. Ngoài Bắc thì tôi không dám, tránh xa, vì có thể làm người khác phật lòng, bị coi là lên mặt dạy đời, nhất là cái tính tôi ăn nói thường bạt mạng không kiêng dè bất cứ ai. Bạn bè Bắc, Nam cũng khác. Bắc Kỳ không có cảnh một người nói với người kia khi mới gặp lần đầu : “Tôi cởi áo ra cùng chơi với ông. Chơi khô máu luôn”, hay “Có gì khó nói ra, anh em bạn bè giải quyết giùm”, thế là chuyện lớn thành chuyện nhỏ. Bắc Kỳ khác, trở thành “bạn” của nhau không dễ dàng. Vì thế mà Nam Kỳ dễ có nhiều bạn bè hơn mà cũng dễ kết bạn hơn. Tôi thường xuyên gặp cảnh khi đến nơi nào mới ở miền Tây, người bạn cũ của mình chỉ nói với những người bạn của anh ta ở nơi ấy : “Đây là ‘cốt’ của tao”- Thế là xong, yên tâm. Bắc Kỳ khó chơi, không thích nói ra miệng, nhất là chuyện tình cảm. Ông nào suốt ngày luôn miệng : “Mình là bạn bè mà, nên phải..thế lọ thế chai...” là phải cẩn thận, đừng quá tin vào lời hứa của họ để rồi thất vọng. Bắc Kỳ khi đã coi nhau là bạn thì sẵn sàng giao cả mạng sống cho bạn, xá gì chuyện vật chất ngoài thân nhưng lại không nói, là bạn thì phải biết bạn gặp chuyện gì mà lao vào không cần hỏi, không hứa hẹn. Thế nên mới có câu chuyện được coi như mẫu mực là Lưu Bình, Dương Lễ, cho vợ đi nuôi bạn mà không nói. Bắc Kỳ thời cận đại có câu ca:

 Những người cho vợ đi Tây

Xe đạp không khóa để ngay Bờ Hồ

Vợ đi Tây mà còn mất nhanh như xe đạp không khóa để giữa Bờ Hồ, huống gì gửi vợ cho bạn, bởi vậy nên khó lắm. Tóm lại, bạn bè Bắc Kỳ bây giờ như của để dành, chỉ khi ta gặp hoạn nạn, tuyệt vọng, không lối thoát thì mới xuất hiện nên có câu “Hoạn nạn biết chân tình”.

Có một bạn thắc mắc “Anh dân Bắc Kỳ rặc mà lại sống thoải mái giữa miền Tây, lạ thật, em cũng có mấy năm sống ở miền Tây nên biết”. Tôi chắc là anh bạn chưa biết, sinh ra ở Sài Gòn, trưởng thành thì lại đi Tây, tuốt Gia Nã Đại, làm sao biết được rõ miền Tây. Lại có nhiều người nói : “Ông giờ thành dân miền Tây rồi, đâu phải là Bắc Kỳ nữa”. Lại sai, tôi vẫn là Bắc Kỳ. Có lần, trong một cuộc nhậu, một ông anh dưới miệt ruộng nói “Từ giờ đừng nói câu ‘Bắc Kỳ’ nữa, hồi nhỏ đi học anh nghe thầy dạy là ‘Bắc phần, Trung phần, Nam phần”. Nghe tôi giải thích, anh nâng ly rượu : “Vậy từ giờ anh sẽ gọi em là ‘Thằng em Bắc Kỳ của anh”. Tất cả đều vui, từ giờ ăn nói không cần phải giữ ý, bạn bè ngồi nhậu với nhau mà còn sợ lỡ mồm làm bạn buồn thì đâu còn là “chất Nam Kỳ” nữa. Tôi cũng vui vì mọi người hiểu : tôi rất yêu Nam Kỳ nhưng vẫn mãi là thằng Bắc Kỳ.

Có phải cái gì của Nam Kỳ cũng hay cũng tốt hơn Bắc Kỳ không ? Tất nhiên là chẳng ai là người Nam Kỳ mà ngây thơ đến thế. Má vợ tôi bảo : “Miền Tây cũng có năm bảy loại miền Tây đó”, bà xã có lần nói : “Ai nói gì anh cũng tin, sao anh dễ tin người vậy ?” Má với vợ nói thì đâu dám cãi nhưng tôi vẫn giữ nguyên tắc sống của mình, thà tin người mà bị lừa còn hơn là không tin ai để khỏi bị lừa, sống thế mệt lắm. Hồi còn ở ngoài Bắc tôi cũng bị ăn đòn vì tin người nhưng đổi lại cũng có bạn bè sống chết vì nhau mà lại nhiều hơn bạn xấu, bởi tôi cho rằng muốn được người  tin thì mình phải tin người trước. Vào Nam tôi có thêm “bạn cốt” và sung sướng nhất là được sống như cá trong nước, đúng với bản chất của mình, có gì là nói luôn không để nặng bụng. Tôi yêu Nam Kỳ vì một lẽ nữa : Người Nam cả tin mà không ngây thơ. 

Bố tôi thường nhắc tôi : “Thật bất hạnh cho một người sống mà chẳng được ai tin nhưng bất hạnh gấp đôi là người sống mà không tin ai cả”. Bởi không tin ai cả rồi sẽ có lúc mình không tin chính mình – đời thế thì còn gì ý nghĩa nữa, thành bù nhìn để bị giật dây.

- Ngô Nhật Đăng -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét