NHẬP NHẰNG để rồi đánh đồng GIỮA "ĐỘC LẬP" VÀ "TỰ TRỊ"!
* Ý chí độc lập, vô hình trung, bị giản lược chỉ cần tự trị ?
"ĐỘC LẬP", tức hệ thống hành chính do người bổn xứ đảm trách, có phải vậy chăng? Đây chỉ là yếu tố "cần", chưa phải yếu tố "đủ". Bởi trong chế độ "TỰ TRỊ", người bổn xứ vẫn được phép phân bổ nhân sự, kể cả người đứng đầu vẫn là người bổn xứ 100%.
Vậy, giữa "Độc Lập" và "Tự Trị" khác nhau mần răng? Không tỏ tường, ắt bị dẫn dắt vào lối ngụy biện nhâp nhằng, đánh tráo khái niệm!
/I/ Xuất hiện, trên vài trang mạng, cái lập luận cho rằng các triều đại quân chủ "Đại Việt" chỉ là "TỰ TRỊ", bởi vì hầu hết đều cử sứ sang Trung Hoa xin phong "Vương". Kể cả việc nổ ra những cuộc chiến giữa hai bên, sau khi chiến tranh kết thúc thi bên "An Nam" vẫn sai sứ giả sang Tàu xin được "phong vương".
Đó, thời Quang Trung sau khi đánh tan quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, ngay trong năm 1789 Quang Trung đã cử sứ giả sang xin Hoàng đế Đại Thanh phong làm "An Nam quốc vương"!
/II/ Lạ thật, có những người gọi là nhà nghiên cứu sử mà cũng cho rằng "được phong vương thì mới chính danh", nếu chưa được triều đình bên Trung Hoa ("thiên triều") công nhận qua sắc phong thì cũng vẫn chưa có sự "đảm bảo" giá trị hợp pháp trong mắt người dân (!?).
Trong mắt người dân nước nào?
Coi đi, Trần Ích Tắc được phong làm "An Nam quốc vương" vào năm 1285, tức "chính danh"... dưới mắt người nước Tàu. Nhưng, có phải nhờ đó mà trở thành hợp pháp trong mắt người dân nước Nam? Câu trả lời là ngược lại!
Không ít vua Lê tuy gọi là "An Nam quốc vương" hẳn hoi, nhưng các chúa Trịnh ngay tại kinh đô Thăng Long còn coi không ra thể thống gì: bức tử, hoặc đưa người khác ngôi vào ghế "vua".
/III/ Trước hết, cần biết vì sao có thủ tục "xin phong vương", gắn liền với "triều cống"?
Thượng sách trong bang giao là cố gắng tránh chiến tranh (nếu có thể). Thay vì đổ máu dân lành, sẽ là "đổ tiền đổ bạc" (triều cống), là dùng giải pháp ngoại giao.
Theo lề thói hồi xưa, ngoại giao hòa hiếu là "xin phong vương" cho đúng vai vế tiểu quốc đối với đại quốc. Bằng thể thức "phong vương", triều đình bên Tàu ắt mát mặt (và được "hậu hĩ" bằng triều cống tiền bạc, sản vật).
/IV/ Nếu là TỰ TRỊ, người bổn xứ được quyền chọn làm nguyên thủ xứ sở tại chỗ, thời xưa là "Vua", nhưng nếu sau đó Tàu không ưng thì buộc phải chọn người khác.
Còn ĐỘC LẬP? Khác hẳn! Tàu không công nhận thì, mặc kệ "thiên triều".
Điều này được minh chứng bằng lịch sử.
Đơn cử: LÊ LỢI lên ngôi VUA, vào năm 1428. Năm sau, sai sứ qua Tàu làm thủ tục "xin sắc phong". Nhưng, Tàu không công nhận vai trò "quốc vương" của Lê Lợi, mà chỉ sắc phong "Quyền thự An Nam quốc sự" (vào năm 1431).
Tàu không phong "quốc vương", Lê Lợi vẫn cứ là VUA, vẫn CHÁNH DANH rạng rỡ vì đã giành được độc lập cho đất nước, đánh sụp ách đô hộ của nhà Minh.
Tàu phản ứng cách nào? Ngậm hột thị, không thể buộc triều đình của người Việt thay đổi ngôi vua.
/V/ "TỰ TRỊ" trên lãnh thổ nước Nam?
* Thời chúa Nguyễn, có vùng gọi là "Thuận Thành trấn" (Ninh Thuận, Bình Thuận, xem bản đồ đính kèm tô màu xanh) được hưởng chế độ "TỰ TRỊ". Theo đó, người Chăm được quyền cai quản hành chính nơi đây; tuy nhiên việc chọn lựa người đứng đầu "Thuận Thành trấn" phải được chúa Nguyễn chấp thuận (nếu không, đổi người khác cai quản).
Việc ra đời, cũng như chấm dứt "quyền tự trị" nơi đây, nằm nơi triều đình Phú Xuân.
* Kế đến, là câu chuyện "Cộng hòa tự trị Nam Kỳ" (République autonome de Cochinchine), ngay trong tên gọi đã xác định rõ rành đây là "autonome" (tự trị).
Vào xem website chính thức của chính phủ Pháp, phần tư liệu lưu trữ về "République autonome de Cochinchine": https://francearchives.gouv.fr/facomponent/eae4809e6e83af7d0e6a90d36ab9975b4cd0d681
Cao ủy Đông Dương (Haut-commissaire d'Indochine) là Georges Thierry d'Argenlieu ra tuyên cáo ngày 1/6/1946 thành lập "Cộng hòa tự trị Nam Kỳ".
Theo đó, đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng ("Nội các tổng trưởng", Premier ministre) do Hội đồng Cố vấn Nam Kỳ (Conseil de Cochinchine) bầu lên.
Cao ủy Pháp tại Đông Dương có quyền phê chuẩn hoặc bác bỏ mọi bổ nhiệm của Thủ tướng.
Tức, "ngoại bang" (ở đây là Cao ủy Pháp) có thẩm quyền được minh định là can thiệp vào nội trị ! - theo đúng thể thức và định nghĩa về lãnh thổ "TỰ TRỊ" (autonome), chưa phải "độc lập" ((indépendante).
[tức còn phải trải qua một tiến trình nữa, mới có thể thủ đắc "độc lập"]...
* Thấy gì?
ĐỘC LẬP bị giản lược, bóp méo thành "tự trị"; trong khi "TỰ TRỊ" được khuếch đại xem đó chẳng khác nào "độc lập"./.
------------------------------------------------------
Hình ảnh (2): LÊ LỢI, dù Tàu không chịu sắc phong "quốc vương", thì ông vẫn đàng hoàng giữ ngôi VUA, vẫn chánh danh. Tức, ĐỘC LẬP.
(1): Thuận Thành trấn (tô màu xanh) là vùng đất được hưởng chế độ TỰ TRỊ.
Nguyễn Chương-Mt # Trích dẫn : " Hết thảy người Việt ở Thanh Hóa, Nghệ An được gọi là "Trại" (còn người Việt ở kinh thành và vùng phụ cận gọi là gọi là "Kinh")."
Bà con, anh chị em phải để ý và ghi chép thật kỹ điều này nhé.
KHÔNG CÓ DÂN TỘC KINH nào trên đất nước Việt nam.
Chỉ có người Việt sống ở KINH THÀNH mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét