Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

FB Nguyen Khac Phuoc:  Nhân chuyện cây xoài cát Hòa Lộc

 Nhân chuyện cây xoài cát Hòa Lộc

Fb Han Le đăng lại một  bài của Phạm Ngọc Thắng , trong đó có một đoạn nói về việc trồng xoài cát Hòa Lộc của một người Trung Quốc như sau:

“Xoài cát Hòa Lộc là giống xoài quý hạng nhất thế giới, để mang về trồng ở Trung Quốc, thương lái mua hạt giống: Trồng ra quéo, chua lòm; mua cây giống: Trồng ra quéo; mua gốc cổ thụ mang về trồng: Vẫn ra quéo chua; mua đất mặt về trồng cổ thụ xoài... Kết quả: Vẫn ra quéo:  hạt to, thịt ít, chua lòm.” (Nguyên văn của Phạm Ngọc Thắng.)

Nghe tôi kể chuyện đó, một anh bạn gốc Huế vốn là giảng viên tại ĐHSP Đà Nẵng kể một chuyện tương tự của chính anh. Đó là việc anh trồng cây rau quế Huế thất bại như thế nào.

Món ăn sáng phổ thông ở Đà Nẵng là món mì Quảng thường kèm với rau sống, nhưng rau sống ở đây không có mùi và màu như ở quê anh.  Anh thích rau quế cay và thơm nhưng quế ở đây không cay và chẳng có mùi thơm gì. Một lần về quê, anh đào một gốc rau quế, mang về trồng vào chậu để trên sân thượng. Thế nhưng rau quế không còn cay nữa. Có người biểu anh phải mang đất Huế vào trồng, quế mới cay. Thế là lần về quê sau đó, anh bứng một bụi rau quế khác và một bao đất chừng 30 ký. Sau khi trồng, được chăm sóc kỹ, cây lên xanh tốt, lá rất nhiều. Lần này thì quế cay thật, y như  quế Huế. Tuần sau, anh lại hái lá rau quế vào dùng, nhưng lạ thay, rau quế không còn cay nữa, mà mùi vị y như rau quế Quảng Nam.

Ai cũng biết rằng  để cây có thể sống và phát triển được nó cần phải có: đất, nước, không khí, ánh sáng và bàn tay chăm sóc của con người. Cây mang từ Huế, đất mang từ Huế, người chăm sóc gốc Huế, không khí Đà Nẵng có lẽ không khác gì Huế,  thế nhưng nước là từ sông Vu Gia, không phải nước sông Hương. Vậy có thể tạm kết luận:  lá quế Huế không còn cay khi trồng ở Đà Nẵng chỉ vì nguồn nước tưới.

Một trái cây ngọt hay chua tùy vào giống, khí hậu, thổ nhưởng, nguồn nước, phân bón và sự chăm sóc. Khi mang đến trồng nơi khác, nếu có những điều kiện tương tự thì cây mới phát triển, ra hoa và kết trái như cây gốc.

Con người khi xa quê hoặc ra nước ngoài sinh sống thì sao? Con người vốn đã khác nhau  dù cùng ăm một mâm, cùng ngủ một chiếu, cùng uống nước từ một giếng hay một dòng sông. Ngay cả anh em sinh đôi, nhìn cái thân, cái tướng thì giống nhau nhưng cái tâm, cái trí, cái tình… thì chẳng ai giống ai.

Con người có hai phần: tâm và thân, theo quan điểm của các thiền sư. Nói cách khác, con người có hai đời sống: đời sống sinh lý và đời sống tinh thần, văn hóa và xã hội. Khi hai đời sống đó thay đổi thì con người ít nhiều cũng phải chịu thay đổi hoặc đã thay đổi 90% rồi dù chính người đó không công nhận. Tại sao họ không công nhận? Bởi vì họ không biết. Những thay đổi đó bắt nguồn từ đời sống vật chất (món ăn, thức uống, nhà ở, xe cộ, không khí, hôn nhân… ) cho đến đời sống trí thức và tinh thần (học tập, sách vở, truyền hình, phim ảnh, bạn bè, nghề nghiệp, khách hàng, hàng xóm, du lịch, tôn giáo…) chúng đến từ từ, nói theo ngôn ngữ Duy thức học, dưới hình thức những chủng tử, những hạt đậu, mầm giống, nhập vào tàng thức hay A-lại-da-thức và chờ cơ hội để trồi lên và chi phối tất cả tư tưởng, hành động, cảm xúc của con người một cách vô thức.

Copy từ trang Nguyen Khac Phuoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét