Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Khánh Ly: NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY

NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY

Khánh Ly

Có một điều hết sức đặc biệt. Đó là nơi tôi và ông Trịnh Công Sơn gặp nhau, là nơi ông chọn Khánh Ly. Từ Đà Lạt, cuộc đời tôi đi qua nhiều khúc quanh. Là nơi đêm đêm tôi hát “đời ca hát ngày tháng cho người mua vui”, nơi tôi khóc ngày mới đến, tôi khóc ngày ra đi, là nơi biết bao lần tôi đã tiếc nuối không được trở lại để sống cho niềm mơ ước của mình một lần.

Ở Sài Gòn, không ai biết tôi là ai cả. Tìm một chỗ kiếm tiền, nuôi con, khó lắm. Thành ra, tôi lên Đà Lạt năm 16 tuổi để đi hát, ít ra cũng có chút tiền. Và ít ra, người Đà Lạt còn thương tôi. Tôi coi tôi là người của Đà Lạt từ đó. Vì thế, tôi ở Đà Lạt 5 năm, ai kêu, ai rủ về Sài Gòn, tôi cũng lắc. Nhưng sau cùng tôi cũng phải cắn răng bỏ Đà Lạt ra đi, để bước vào một định mệnh khác. Một hạnh phúc, một bất hạnh khác.

Ai cũng nghĩ, nổi tiếng là cái gì đó ghê gớm lắm. Nhưng chẳng đúng đâu. Cuộc đời trao ta cả hạnh phúc lẫn thương đau. Đâu có cho ai một thứ gì trọn vẹn? Được cái này phải mất cái kia. Nhưng nếu được để rồi mất, cũng buồn. Nhưng phải như thế mới là cuộc đời. Bây giờ nghĩ lại, vui hay buồn, hạnh phúc hay thương đau cũng giống nhau, cũng là kỷ niệm làm lòng mình ấm lại.

Tôi chợt hiểu, à, mọi người đến với tôi không phải vì tôi đẹp hơn, cũng chẳng phải vì tò mò giọng hát của một bà già 80 tuổi còn giống như ngày xưa hay không, mà vì những năm tháng cách xa, Khánh Ly đã trở thành kỷ niệm. Tôi nhìn khán giả, tôi nhớ tôi khi trẻ. Khán giả nhìn tôi, cũng nhớ lúc họ trẻ chứ! Vì thế, tôi sẽ không bao giờ nói rằng, Khánh Ly sẽ giải nghệ đâu. Khánh Ly cứ hát thôi, cho tới khi khán giả không còn muốn nghe tôi hát nữa.

Cũng có thể, đây là lần đi hát cuối cùng của tôi. Ai mà biết được. Sức khỏe của một người gần 80 tuổi, không ai nói trước được điều gì. Vì thế, cứ gặp nhau đi, như một lời chia tay, như ông Trịnh Công Sơn hay nói. Có nhiều khi, ta chẳng kịp nói lời chia tay, muốn mắng một tiếng, muốn nói yêu một người cũng không thể nói được nữa. 

Mọi người rồi cũng lần lượt bỏ nhau đi (ông Trịnh Công Sơn, ông Phạm Duy, ông Anh Bằng, bà Lệ Thu…) có nói lời chia tay tôi đâu. Cứ suy nghĩ thật kỹ, có đúng như lời Khánh Ly nói hay không? Chẳng kịp đâu. Đời sống vô thường lắm.

Như tôi từng kể trong tự truyện Đằng sau những nụ cười, sau đó nhiều lần tôi trở về thăm Đà Lạt như đứa con xa về nhà, không xa lạ như một người khách bất chợt trên đường ghé qua. Lần sau cùng tôi và một người của Đà Lạt về thăm nhà nhưng cây cầu La Ngà đã gãy, chúng tôi phải trở về. Từ đó tôi không bao giờ thấy lại người đó của Đà Lạt và cũng không bao giờ hy vọng về nhà nữa.

Những đêm ngồi một mình đến 4 giờ sáng, nhiều lúc quạnh quẽ cô đơn, tôi nhớ Đà Lạt biết đến chừng nào. Nhất là quán cà phê Tùng, bến xe đò Minh Trung và con đường thông reo qua hồ Than Thở đến trường Võ Bị. Giờ về, Đà Lạt khác nhiều lắm với Đà Lạt thời mười tám, đôi mươi của tôi. Nhưng vì thế, mới có cái để gọi là kỷ niệm chứ! Có những điều, ta không bao giờ tìm lại được đâu, chỉ có thể tìm trong ký ức. Phải chấp nhận điều đó. Dòng đời thay đổi, núi non, sông biển, con người cũng đều phải thay đổi.

Người ta hay nói câu “chúng ta đi mang theo quê hương”. Không, mình không cầm được cái gì mang theo cả. Nó ở trong lòng mình, trong trí tưởng của mình. Dẫu mình có đi năm châu, bốn biển, thì mình vẫn là người Việt Nam. Có lẽ vì thế, trong sáng tác của ông Sơn, giữa tình khúc và Da vàng, tôi vẫn thích hát nhạc Da vàng hơn. Bởi Da vàng lớn hơn. Bởi Da vàng có quê hương trong đó.

Tuổi này không nên buồn nữa. Cũng không nên mơ ước nữa. Tuổi này, không có thời gian để làm lại hay làm bất cứ điều gì nữa. Chỉ xin ngồi yên đó, mong được bình an. Ngồi yên đó, chờ ngày cuối cùng đến trong cuộc đời. Cũng như cách đây mấy năm, khi trả lời phỏng vấn bạn, tôi có kể, ngày xưa, tôi hay ngồi chờ chồng tôi về nên khi chồng mất, tôi hay ngồi trong bóng đêm, với cái khoảng trống trước mặt. Giờ thì ít rồi. Tôi còn con gái và hai con chó. Ở tuổi này, tôi phải tự bình an với tất cả mọi điều.

Khánh Ly

Tranh: họa sĩ Lê Sa Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét