Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Đỗ Trí Hùng: NGHĨA VỤ của LƯƠNG TÂM

 NGHĨA VỤ của LƯƠNG TÂM

1 – Trong cú kiệt tác phin bộ “Spartacus” của truyền hình mẽo quốc, có cảnh anh Spartacus – đấu sĩ nô lệ giỏi nhất trại nô lệ Batiatus – bị một đấu sĩ cùng trại ám sát.

Khi Spartacus đang ngồi một mình trong nhà tắm, gã đấu sĩ kia lẻn vào, nhẹ nhàng từ phía sau, dùng dây thừng siết cổ Spartacus. Bị tấn công bất ngờ, Spartacus mất lợi thế và bị siết đến ngạt thở, gần như mất mạng, đúng lúc đó Crisus xuất hiện.

Crisus cũng là một đấu sĩ giỏi của trại nô lệ, trước khi Spartacus xuất hiện, anh đang là “ vua đấu trường”, không có đối thủ. Nhưng từ khi có Spartacus, vị trí đó bị đe dọa. Spartacus trở thành đối thủ nguy hiểm của Crisus. Trong cuộc sống, hai vị anh hùng nô lệ này cũng không ưa nhau. Crasus tỏ ra là người trung thành với ông chủ và tự hào bởi vị trí vô địch của mình còn Spartacus thì căm ghét ông chủ, chỉ muốn nổi loạn, bởi vậy, họ luôn gằm ghè, chỉ muốn tiêu diệt nhau.

Khi thấy Spartacus bị kẻ kia siết cổ gần chết, Crasus lập tức xông vào tấn công kẻ ám toán, giải cứu cho Spartacus. Bởi kẻ ám toán có chuẩn bị trước nên ngoài dây thừng còn dắt theo cả dao ngắn, vậy là Crasus phải tay không đấu với kẻ mang dao, trong khi kẻ mang dao cũng là đấu sĩ không hề kém cỏi.

Spartacus lúc này đã ngất xỉu, nằm tại chỗ, chỉ một mình Crasus đấu với kẻ ám sát mang dao. Kết cục, Crasus vẫn hạ được kẻ ám toán, nhưng dính nhát dao với vết thương khá nặng.

Khi tỉnh lại, biết mình thoát chết, mà người cứu mình chính là kình địch của mình, Spartacus rất ngạc nhiên, đã hỏi Crasus:

- Vì sao anh làm thế với tôi? Anh đâu ưa gì tôi?

- Ngay lúc này tôi cũng chả ưa gì anh, và tôi luôn mong anh chết quách đi, nhưng không phải chết như thế này! Anh là đấu sĩ giỏi, anh xứng đáng với cái chết vinh quang trên đấu trường và người lấy mạng anh phải là tôi chứ không phải thằng mạt hạng kia!

Vậy là, Crasus đã đi ngược lại cái bản năng tự nhiên – rất ghét và chỉ mong Spartacus chết – để thực hiện một nghĩa vụ cao cả, nghĩa vụ của lương tâm, hay còn gọi là “ý chí đạo đức”, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy để cứu đối thủ.

2 -  Trong một phim hài, cũng của mẽo quốc, mà tôi quên mẹ tên, kể về một anh viên chức văn phòng, nhạt nhẽo tầm phào, không có phẩm chất gì đặc biệt, tên là Jonh hay gì đó gần gần như thế, tôi không nhớ chính xác

Một ngày, sau giờ làm, John lái xe về trong trạng thái mệt mỏi, anh chỉ mong mau chóng tới nhà, hốc quả bánh kẹp, uống ly sữa rồi đi ngủ…

Cùng lúc đó có vụ tai nạn xe khách xảy ra ngay phía trước, xe mất lái lăn xuống lưng núi, bốc cháy, và nhiều hành khách đang hoảng loạn rên la..

Jonh dừng xe nhìn xuống hiện trường vụ tai nạn, thoạt đầu anh lẩm bẩm “Đâu phải tại tôi, các vị bị tai nạn thì liên quan gì đến tôi, tôi đang mệt và chán đời, tôi cần về nhà đi ngủ đây, thông cảm nhé!”

Tuy nhiên, cảnh chiếc xe bốc cháy và chắc chắn sẽ nổ tung cùng tiếng kêu cứu của các nạn nhân khiến anh không thể bỏ đi, và anh lao xuống lưng dốc, lôi từng nạn nhân ra ngoài đến vị trí an toàn trước khi xe phát nổ

Có một chi tiết hài hước như sau:  trong số những người bị nạn trên xe, có một bà béo nặng trên trăm cân, bà này bị nhẹ thôi nhưng không thể tự chui ra khỏi xe vì … béo quá, thế là bà ta la lối, la rất khỏe. Trong khi Jonh cứu những người bị nặng hơn thì bà ta cứ nằm đó chửi Jonh sao không chịu cứu bà ta trước…

Jonh điên lắm, đến khi thử lôi bà ta thì bà ta quá nặng, nặng gấp đôi anh. Jonh bảo “tôi mà cõng bà thì tôi gãy lưng mất, bà tự cứu mình đi”. Nhưng bà kia vẫn loay hoay không ra nổi mà xe thì bốc cháy dữ dội.

Và Jonh phải cố gắng kéo được bà béo ra khỏi xe, cõng bà ấy trên lưng, vượt dốc đưa lên vị trí an toàn… 

Vậy là Jonh, cũng phải chống lại xu hướng tự nhiên là “sự mệt mỏi, muốn về nhà nghỉ” để hành động theo nghĩa vụ của lương tâm, thậm chí không thể bỏ rơi bà béo dù bà ta làm anh tức lộn ruột.

3 -  Chỉ khi nào bạn phải chống lại “xu hướng tự nhiên bên trong bạn” để hành động theo “ý chí” thì đó mới là hành động đạo đức đích thực, và việc này được Kant, sư huynh tôi gọi là “Đạo đức mệnh lệnh tuyệt đối”

Còn nếu bạn cứu bà béo chỉ vì tin rằng, bà ấy sẽ biết ơn bạn, và, biết đâu bà ấy là trọc phú sẽ thưởng tiền cho bạn, thì đó chưa phải là hanh động đạo đức

Hoặc bạn cứu giúp các nạn nhân chỉ vì mong muốn được “hưởng phước” về sau, nghĩa là ít nhiều động cơ  “có đi có lại”, thì đó chưa phải là hành động đạo đức.

4 – Bạn tôi, một chủ quán café nhỏ, thu nhập vừa phải, hôm qua tự nguyện gửi 10 triệu cùng nhiều nhu yếu phẩm khác, hỗ trợ cho vùng bị nạn Yên Bái, bạn bảo tôi:

“Con vợ cũ của tôi là dân Yên Bái đấy, ông biết nó đã hành hạ tôi thế nào, nghĩ đến nó là tôi ghét, nhưng tôi làm việc này vì trong thâm tâm, tôi mong nó và gia đình được an toàn” 

Bạn tôi thật sự là người có đạo đức!

P/S:

Bài này giải thích thắc mắc của rất nhiều bạn fb, rằng bình thường dân ta chỉ giỏi chửi nhau và gây chia rẽ, sao trong hoàn cảnh thảm họa, họ lại lo lắng cho nhau đến thế? Vì đơn giản “ Nghĩa vụ của lương tâm” cao hơn tất cả, nó là chỉ dấu để đánh giá con người đích thực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét